Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, cùng với loạt chính sách siết chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã khiến các doanh nghiệp ngành này phải đối diện với áp lực gia tăng.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… vào khoảng 20 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội liên quan tới xây dựng và vật liệu xây dựng cho thấy, nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh, chẳng hạn xi măng hiện tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 - 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3… so với đầu năm.
Trong hơn 1 tuần qua, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt hơn dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh thị trường xuất hiện những yếu tố khó lường, đặc biệt là tình trạng giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục leo thang, khiến các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng đứng ngồi không yên. Chưa bao giờ các nhà thầu xây dựng lại gặp nhiều khó khăn như lúc này.
Theo đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết với khách hành nên khi giá nguyên vật liệu tăng, họ phải tự bù lỗ.
Đơn cử, tại dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, sau bão giá thép đầu năm ngoái, việc giá xăng dầu, nhựa đường, sắt thép... tiếp tục leo thang từ đầu năm 2022 đã đẩy nhiều nhà thầu thi công vào tình cảnh thua lỗ. Lãnh đạo một nhà thầu thi công tại 2 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây ước tính, chi phí xây dựng đội giá thêm 20 - 30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong năm 2021 chỉ đạt 0,63%, rất thấp so với mức tăng trưởng trung bình 7,2%/năm trong 10 năm trở lại đây.
Không chỉ gây bất ổn đối với hoạt động xây dựng, việc giá nguyên vật liệu đầu vào không ngừng tăng còn kéo theo lo ngại về giá nhà tăng cao.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, trong cơ cấu giá chung cư hiện nay, tiền đất chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại 75% là chi phí vật liệu xây dựng, bao gồm cả vật liệu hoàn thiện. Do đó, việc các chi phí này tăng mạnh khiến giá nhà chung cư bị đội lên cao.
Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong những tháng đầu năm, mặt bằng giá bán sơ cấp căn hộ tại thị trường TP. HCM đã được nâng lên ở hầu hết các dự án với mức tăng từ 5 - 8% so với giai đoạn mở bán trước đó.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ một số thông tin liên quan đến thị trường bất động sản tại Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra đầu tuần qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong quý I/2022, mặc dù nền kinh tế hồi phục tích cực, song thị trường bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn, giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc đều tăng, đặc biệt là đất nền, thậm chí một số địa phương còn xuất hiện tình trạng “sốt” đất cục bộ.
Bộ trưởng lý giải nguyên nhân của vấn đề trên do nguồn cung dự án hạn chế, số lượng dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường giảm dần, nhất là ở các đô thị lớn, cùng với đó là tình trạng chi phí đầu vào của các dự án bất động sản liên tục tăng, từ đó đẩy giá nhà lên cao.
Một doanh nghiệp bất động sản thưởng Tết là ô tô Mercedes 2 tỷ đồng cho nhân viên
Một ông lớn khoe lãi nghìn tỷ nhưng quỹ ngoại thoái mạnh, lý do có gây bất ngờ?