Chứng khoán

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo ‘vô địch’ tăng trưởng trong quý II/2024?

Thu Huyền 26/06/2024 - 17:22

Kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp ngành dầu khí được dự báo có sự phân hóa giữa nhóm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.

Chứng khoán MB (MBS) mới đây vừa công bố báo cáo dự báo lợi nhuận quý II/2024 của các ngành,doanh nghiệp với đánh giá sự hồi phục toàn thị trường dần rõ nét hơn và có thể tăng 9,5% so với cùng kỳ (svck) được hỗ trợ bởi mức nền thấp cùng kỳ trong khi sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi nhẹ.

Trong đó, các doanh nghiệp ngành dầu khí có sự phân hóa giữa nhóm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.

Các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD có thể thể ghi nhận lợi nhuận tăng tốt svck khi khối lượng công việc tăng. Với PVS, các gói thầu hạn chế tại Lô B vẫn được thanh toán đầy đủ, không nhận thấy rủi ro chậm FID. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt mức 6.815 tỷ (+10,5% YoY) và 573 tỷ đồng (+50,4% YoY), chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu hợp đồng điện gió ngoài khơi. Đây cũng là doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận cao nhất trong quý II/2024 khi tăng trưởng 23% svck năm 2023.

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo ‘vô địch’ tăng trưởng trong quý II/2024?
PVS được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 cao nhất trong nhóm dầu khí (Nguồn: MBS)

Về PVD, hoạt động dịch vụ kỹ thuật giếng khoan được kỳ vọng có sự tăng trưởng khi một số mỏ dầu khí mới trong nước được triển khai. Trong quý II/2024, giàn tự nâng của PVD là PVD Drilling III đã khoan thành công giếng Bunga Aster 1 với phát hiện dầu khí tích cực. Công ty cũng đã ký kết hợp đồng các dịch vụ đi kèm cho chương trình khoan và hoàn thiện các giếng phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, Lô 05-1(a).

Ở nhóm trung nguồn, các doanh nghiệp như GAS, PVT được MBS dự báo lợi nhuận sẽ đi ngang. Với GAS, mặc dù việc kinh doanh khí hóa lỏng (LNG) khởi sắc song lại bị ảnh hưởng bởi việc sản lượng các mỏ khí đang khai thác suy giảm. Với PVT, dù giá cước vận tải dầu khí ở mức cao nhưng gần như đi ngang svck, bù lại là việc mở rộng đội tàu trong quý từ 47 tàu (quý II/2023) lên 52 (quý II/2024) đã giúp cải thiện nhẹ lợi nhuận của công ty.

Cuối cùng là nhóm hạ nguồn với PLX và BSR có sự phân hóa rõ ràng khi PLX có thể ghi nhận lợi nhuận đi ngang từ mức nền cao của cùng kỳ còn BSR bị ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng và lợi nhuận khi nhà máy bảo dưỡng trong quý II.

Cụ thể, PLX có thể gia tăng thị phần khi một số đơn vị đầu mối xăng dầu trong nước bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh, đồng thời tỷ lệ sản lượng xăng dầu nhập về từ nước ngoài giảm svck, có thể giúp biên lợi nhuận tốt hơn.

Ngược lại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất của BSR bảo dưỡng lần 5, thời gian bảo dưỡng chủ yếu trong quý II do đó sẽ ảnh hưởng tới sản lượng. Bên cạnh đó, crack spread tham chiếu tại châu Á hiện đang thấp hơn svck có thể gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận lọc dầu của BSR trong quý và tác động tiêu cực đến lợi nhuận ròng.

>> 8 doanh nghiệp dầu khí Việt Nam lọt Top 500 công ty lớn nhất Đông Nam Á

PV Gas hoàn thành 76% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 chỉ sau 5 tháng

Cổ đông lớn của VIPCO (VIP) chốt lời sau nhịp tăng hơn 60%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-dau-khi-nao-duoc-du-bao-vo-dich-tang-truong-trong-quy-ii2024-240112.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo ‘vô địch’ tăng trưởng trong quý II/2024?
    POWERED BY ONECMS & INTECH