Doanh nghiệp địa ốc “tủi thân”

10-08-2021 09:24|Việt Dũng

Doanh nghiệp bất động sản dường như đang đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quan niệm bất động sản không phải ngành sản xuất - kinh doanh, trong khi ngành này tác động dây chuyền rất lớn đến nhiều ngành khác.

Gồng mình chống dịch

Vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề môi giới bất động sản đến nay đã hơn 11 năm, sau khi nhận được chứng chỉ hành nghề và có được một số vốn nhất định, vào đầu năm 2019, anh Lê Tấn Phát (quê Đắk Lắk) cùng em trai quyết định thành lập công ty môi giới bất động sản (văn phòng tại đường Trần Cao Vân, quận 9 cũ).

Ban đầu, công ty môi giới nho nhỏ của anh Phát phần lớn nhận ký gửi nhà và đất của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận, sau gần 1 năm hoạt động thì chuyển sang phân phối các dự án căn hộ chung cư, nhà phố… khi nhận được nhiều hợp đồng lớn từ các sàn môi giới lớn và chủ đầu tư dự án. Cùng với sự phát triển này, công ty cũng tuyển thêm nhiều nhân sự hơn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, gần như công ty không kinh doanh được gì, một phần do không có dự án mới để phân phối, phần do dịch Covid-19 xuất hiện. Cũng như nhiều đơn vị môi giới khác, anh Phát đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2021, nhưng chỉ được 3 tháng đầu năm yên ả, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và kéo dài đến nay khiến công ty chìm sâu hơn vào khó khăn và phải tạm thời đóng cửa vì nhiều tháng nay không có nguồn thu.

“Trong hơn 11 năm lăn lộn với nghề, tôi chưa từng trải qua tình cảnh bi đát như hiện nay. Bán hàng không được nhưng vẫn phải gánh nhiều chi phí như mặt bằng, lãi vay ngân hàng, lương nhân viên…”, anh Phát than thở.

Tương tự, ông Phạm Minh Thái, hiện quản lý 2 sàn giao dịch tại TP.HCM và Long An của một công ty bất động sản lớn ở phía Nam cũng bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh. Ông Thái cho biết, cả 2 sàn giao dịch đều đang đóng cửa để tuân thủ lệnh giãn cách xã hội và 120 nhân viên tiếng là làm việc online tại nhà nhưng cũng chỉ lên mạng giới thiệu sản phẩm cho đỡ nhớ nghề là chính.

Theo ông Thái, chủ trương của công ty là không cắt giảm nhân viên, nhưng do ảnh hưởng của Covid, nhân viên không thể trực tiếp giao dịch với khách hàng, lượng sản phẩm tiêu thụ cũng giảm mạnh, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, buộc công ty phải giảm 50% lương cứng.

Trên thực tế, đây cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản hiện nay, khi những tác động tiêu cực của làn sóng Covid lần thứ tư đã vượt quá sức chịu đựng của họ.

Cần được “tiếp máu”

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung trước tác động của đợt bùng phát dịch lần này, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho các khoản vay phát sinh từ ngày 15/7/2021 đến hết năm nay đối với các khoản dư nợ hiện hữu, mức giảm từ 0,5-2,5%/năm tùy ngân hàng..

Do nguồn lực có hạn, nhiều đơn vị môi giới sẽ khó trụ lại trên thị trường nếu dịch bệnh kéo dài hơn và khi dịch được kiểm soát, thị trường hoạt động bình thường trở lại, việc thiếu vắng lực lượng môi giới sẽ tạo ra một "cuộc khủng hoảng kết nối cung - cầu".

Đây là điểm khác biệt so với những đợt giảm lãi suất trước kia, bởi khi giảm với dư nợ hiện hữu sẽ hỗ trợ ngay cho nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính. Dẫu vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lại không thể vui, thậm chí có phần “tủi thân” hơn khi trong đề xuất hỗ trợ của các ngân hàng vừa qua chưa đề cập tới các doanh nghiệp địa ốc.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh (Đức Linh Real) cho biết, mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh giao dịch đứt đoạn, không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho lao động…

“Nhiều doanh nghiệp môi giới đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ nhân sự với hy vọng khi dịch được kiểm soát thì có thể trở lại hoạt động được ngay, nhưng nếu tình trạng khó khăn kéo dài hơn mà không nhận được sự hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường”, bà Linh nói.

Tương tự, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng để tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đều khó khăn vì dịch.

“Lấy ví dụ ngay với Đại Phúc Land, chúng tôi đang triển khai một dự án ở TP. Thủ Đức, trước đó gặp khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, thì nay chịu thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khó khăn nhân lên nhiều lần”, bà Hương thông tin.

Theo bà Hương, khó khăn đối với nhóm doanh nghiệp chủ đầu tư là phải có kế hoạch dài hơi, có nguồn lực dự phòng để đầu tư phát triển dự án. Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp không có nguồn thu nên phải dùng nguồn lực này để duy trì hoạt động, khiến công tác đầu tư bị hạn chế.

“Với tốc độ lây lan mạnh như hiện nay, nhiều khả năng phải đến đầu quý IV/2021 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị tăng tốc trong quý cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương nói.

Theo phân tích của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, trong ngành bất động sản chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp lớn, hầu hết là các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có các nguồn vay hoặc cam kết tài trợ của ngân hàng đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn, dịch bệnh diễn biến kéo dài đang tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này nhưng họ còn có thể “gồng gánh” được.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70% tổng số doanh nghiệp địa ốc và đa số là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên việc phân phối sản phẩm do chủ đầu tư cung ứng ra. Do nguồn lực có hạn, những doanh nghiệp này chỉ có thể gồng mình trong một thời gian nhất định, nếu kéo dài sẽ khó trụ lại trên thị trường và khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hoạt động bình thường trở lại, việc thiếu vắng lực lượng môi giới sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng kết nối cung - cầu”.

Do vậy, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Các ngân hàng cần xem xét giảm thêm lãi suất, giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phát triển dự án để qua đó gián tiếp giảm thiểu con số nợ xấu đến từ ngành bất động sản trong tương lai gần.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản đã quen với bối cảnh khó khăn và chủ động hơn nên không gặp nhiều khó khăn như giai đoạn 2010-2012 vì khi đó họ phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng, chịu lãi suất cao, lạm phát cao.

Tuy nhiên, những vấn đề về thuế, thủ tục pháp lý… lại là rào cản lớn, chưa kể, ngay cả khi dịch được kiểm soát thì sức mua thị trường cũng sẽ giảm đi nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

“Để tiếp sức cho các doanh nghiệp, bên cạnh xem xét giảm thêm lãi suất, hoãn nợ, giãn tiến độ trả nợ, sự hỗ trợ liên quan tới nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như tiền thuế, tiền sử dụng đất... cũng rất quan trọng, góp phần ‘tiếp máu’ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại”, ông Hoàng đề xuất.

Link Nguồn

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-dia-oc-tui-than-120207.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp địa ốc “tủi thân”
    POWERED BY ONECMS & INTECH