Doanh nghiệp điện, khí lao đao vì khoản nợ đọng hàng chục nghìn tỷ từ EVN
Tình trạng nợ đọng lớn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với các doanh nghiệp điện, khí, đang gây ảnh hưởng lớn đến dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy điện, khí của Petrovietnam, PV Power, PV GAS đều chịu chung tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài của EVN. Việc thu hồi công nợ khó khăn, trong khi đó, để phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư các đơn vị phải tăng vay vốn để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động và gánh nặng thêm lãi suất, điều này ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh.
EVN nợ hơn 5.000 tỷ đồng của PVPGB
Ông Hồ Công Kỳ, Giám đốc Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) cho biết, hiện nay nợ quá hạn của EVN đối với Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 500 tỷ đồng, còn đối với Sông Hậu 1 là hơn 2.000 tỷ đồng. Tính chung toàn bộ nợ của EVN với Chi nhánh khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Khoản nợ với PVN lên đến gần 23.000 tỷ
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tính đến đầu tháng 7/2023, EVN đang nợ trong toàn Tập đoàn là 22.984 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng (Nợ Công ty mẹ Petrovietnam 5.600 tỷ đồng, nợ đến hạn là 2.800 tỷ đồng). Số nợ này là rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động tài chính của Petrovietnam và gây phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan. Trong đó:
EVN nợ PV Power là 8.700 đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả 7.000 tỷ đồng. Ông Lê Như Linh, Tổng Giám đốc PV Power chia sẻ khó khăn xảy ra với EVN tác động rất lớn đến các công ty sản xuất điện, trong đó có PV Power. Với việc chịu nợ lớn của EVN, để đảm bảo SXKD thì doanh nghiệp phải vay vốn lưu động tăng lên, trong khi đó, các khoản vay hiện nay ngày càng khó khăn hơn, PV Power cũng đang cần nhu cầu vốn lớn cho đầu tư các dự án như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Về kết quả kinh doanh quý 2/2023, PV Power mang về 8.544 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tăng mạnh hơn (1.350 tỷ đồng), tương ứng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, POW báo lãi trước thuế và lãi sau thuế giảm lần lượt 59% và 69% so với cùng kỳ năm 2022 về mức 239 tỷ và 181 tỷ.
EVN nợ Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (PV Power NT) 893 tỷ đồng và nợ Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) hơn 4.000 tỷ đồng.
Ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc PV Power NT2 phân trần “Công tác thanh toán tiền điện của EVN hàng tháng thường xuyên chậm so với quy định Hợp đồng. Vì bị EVN nợ nên chúng tôi cũng không có tiền thanh toán tiền nhiên liệu khí cho PV GAS và đang nợ PV GAS 2.900 tỷ đồng. Chúng tôi là công ty cổ phần nên tài chính riêng biệt không thể dựa vào Công ty mẹ được nên rất khó khăn trong dòng tiền phục vụ cho hoạt động SXKD, cũng như ảnh hưởng đến chi trả lương cho CBCNV”.
Quý 2/2023, NT2 đạt 2.183 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 19% so với cùng kỳ. Dù doanh thu tài chính gấp 9 lần lên hơn 17 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng, lợi nhuận sau thuế của NT2 vẫn giảm 61% so với cùng kỳ về 144 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Theo ông Nhân, việc ưu tiên huy động điện năng lượng tái tạo cũng khiến giảm sút mạnh sản lượng huy động từ các nguồn điện khác. Do điện mặt trời, tác động của năng lượng dịch chuyển, huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) với nhà máy cũng hạn chế, hai năm trở lại đây nhà máy không được huy động hết sản lượng theo hợp đồng ký kết. Hiện nay, PV Power NT2 và EPTC/EVN vẫn chưa thống nhất sản lượng điện (Qc) năm 2023 của nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Hiện tại Qc năm 2023 của Nhà máy theo công bố của A0 trên trang web thị trường điện là 3.486 triệu kWh, trong đó Qc thấp (tháng 8 là 44 triệu kWh, tháng 9 là 20 triệu kWh, tháng 10 là 99 triệu kWh).
Qc tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 được giao cũng rất thấp, cả năm là 741 triệu kWh, trong đó Qc từ tháng 1 đến tháng 8 chỉ từ 19 – 25 triệu kWh, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của đơn vị.
Sự thất thường và bất thường trong huy động điện còn ở chỗ, trong giai đoạn cao điểm từ tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm nay, do tình hình thủy văn không thuận lợi, khả năng thiếu điện cao, EVN yêu cầu tăng thêm đột ngột phần khí cấp cho điện ở khu vực Đông Nam bộ lên tới 4 – 5 triệu m3/ngày; thậm chí có thời điểm đưa ra đề nghị tạm dừng cung cấp khí cho đạm. Với những yêu cầu bất thường như thế rõ ràng về mặt phát triển mỏ sẽ không thể để đáp ứng được. Đồng thời do trước đây giai đoạn kéo dài thường xuyên bị huy động thấp nên doanh nghiệp không thể có sự chuẩn bị tăng kịp thời sản lượng được.
Thực tế, trên thị trường điện hiện nay là “vừa thừa, vừa thiếu”, như có lúc thừa khí không thể huy động hết được vì điện khí không được lên lưới, những lúc được huy động thì lại quá cao, cấp không kịp do giới hạn cấp khí. Nhiều nhà máy điện khí, than “ban ngày thì hầu như “nằm chơi”, ban đêm thì bắt đầu vận hành tối đa công suất”.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Nợ PV GAS hơn 8.500 tỷ đồng, nợ đến hạn là 4.565 tỷ đồng. Ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, thị trường khí khô và LPG trong 3 năm trở lại đây có sự thay đổi rất lớn bởi sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nên việc cung cấp khí cho điện thay đổi rất nhiều. Trước đây vào buổi trưa là cao điểm nhất cấp khí cho điện thì bây giờ buổi trưa huy động khí cho điện là thấp nhất, chênh lệch giữa cao và thấp điểm có ngày lên đến 400%. Nhiệt điện khí chủ yếu chỉ được huy động vào ban đêm, cao điểm là 9 – 10 giờ tối, còn buổi trưa toàn bộ 16.000 MW điện mặt trời được ưu tiên phát lên lưới.
Quý 2/2023, PV GAS ghi nhận hơn 24.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ, lãi giảm 38% về 3.196 tỷ đồng.