Chứng khoán

Doanh nghiệp kinh doanh tích cực, cổ phiếu tiêu cực, vì sao?

Cẩm Vân/Thị trường tài chính 23/10/2024 - 11:32

Mặc dù nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực nhưng cổ phiếu vẫn phản ứng tiêu cực. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, điều này xuất phát từ việc nhà đầu tư dồn thanh khoản vào nhóm ngân hàng...

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank

Kết quả kinh doanh tốt ra nhưng cổ phiếu phản ứng tiêu cực có đáng lo?

Chuyên gia VPBS chia sẻ, trong giai đoạn vừa rồi, nhà đầu tư không cầm cổ phiếu ngân hàng thì hiệu quả thấp, thậm chí là lỗ. Trong mùa báo cáo tài chính vừa rồi, rất nhiều cổ phiếu yếu, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản. Thậm chí, có cổ phiếu bật tăng vài phiên song sau đó quay lại xu hướng lình xình. Mặc dù, không có thông tin ảnh hưởng rõ ràng nhưng có những thông tin âm thầm khiến nhiều cổ phiếu bất động sản đang trong xu hướng đi xuống. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đón nhận kết quả kinh doanh tốt như công nghệ hay thép, song cổ phiếu cũng tăng rất nhẹ.

“Điều này có thể được lý giải bởi khẩu vị đầu tư có sự khác biệt, nhà đầu tư gần như dồn toàn bộ thanh khoản cho nhóm ngân hàng nên các nhóm các cổ phiếu khác không đón nhận dòng tiền. Hoặc là cổ phiếu đã tăng rất nóng trước đó, kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực phần nào làm hợp lý hóa đà tăng nóng của cổ phiếu giai đoạn trước, FPT là một ví dụ” – ông Sơn nhận định.

Nhìn vào tương lai, yếu tố kết quả kinh doanh tốt sẽ củng cố đà tăng giá cổ phiếu trong trung và dài hạn. Một ví dụ điển hình là cổ phiếu HPG tạo đỉnh và đáy rất bám sát với kết quả kinh doanh.

Tỷ giá tăng phần nhiều do yếu tố mùa vụ

Theo ông Sơn, gần đây, câu chuyện tỷ giá Việt Nam nói riêng và thị trường emerging market nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Đầu tiên là Fed có thể sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suốt hơn so với kỳ vọng, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) đã tăng liên tiếp lên mức 103 – cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây. Khi mà USD-Index tăng cao thì tỷ giá của các thị trường mới nổi yếu trở lại trong khoảng 2 tuần trở lại đây.

Thứ hai, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy ổn định hơn rất nhiều đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.

Thứ ba, đối với Việt Nam, tính mùa vụ có bởi vì trong những thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ noel và năm mới của phương tây. Do vậy, tỷ giá tháng 10 thường tăng cao.

Thứ tư, nhu cầu USD gần đây tăng để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.

Như vậy, việc tỷ giá tăng phần nhiều do yếu tố mùa vụ bởi trong thời gian tới xu hướng giảm lãi suất của Fed vẫn được duy trì. Vì vậy, đồng USD có thể chững lại và giảm sau nhịp này. Hơn nữa, sau tháng 10, nhu cầu USD có thể giảm bớt và giúp tỷ giá êm trở lại.

Cuối cùng, NHNN tiếp tục hút bớt tiền cũng kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh.

Nhưng tác động của tỷ giá đối với thị trường là có. Khi tỷ giá tăng trở lại, ngay lập tức nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ròng trên thị trường chứng khoán. Yếu tố tỷ giá với xu hướng rút ròng của nước ngoài vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ít nhất trong ngắn hạn.

>>Chuyện bán 3.000 cổ phiếu, bỏ túi 49 cây vàng...

Nhân sự Chứng khoán VNDirect (VND) tiếp tục giảm sút

'Trò chơi thanh khoản' của Trung Quốc: PBoC bơm tiền trực tiếp, liệu có cứu được thị trường chứng khoán?

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-kinh-doanh-tich-cuc-co-phieu-tieu-cuc-vi-sao.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp kinh doanh tích cực, cổ phiếu tiêu cực, vì sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH