Chứng khoán

Doanh nghiệp liên quan mật thiết đến Vingroup (VIC) cạnh tranh cùng 4 nhà thầu làm dự án 58.026 tỷ đồng tại Thanh Hóa

Lan Phương 11/08/2024 08:43

Những doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD tại Thanh Hóa đều là các tập đoàn tên tuổi tại Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.

Hồ sơ mời thầu (HSMT) Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đã được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát hành từ ngày 30/7 với dự kiến đóng/mở thầu vào chiều ngày 30/9.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn có công suất 1.500MW, sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, được đầu tư tại phía Nam cảng Nghi Sơn thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Diện tích khu đất thực hiện Dự án khoảng 68,2ha, trong đó phần diện tích neo đậu tàu khoảng 4ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 58.026 tỷ đồng (tương đương 2,453 tỷ USD).

Doanh nghiệp liên quan mật thiết đến Vingroup (VIC) cạnh tranh cùng 4 nhà thầu làm dự án 58.026 tỷ đồng tại Thanh Hoá
Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn

Thông tin từ Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án là đấu thầu hạn chế quốc tế, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, với 5 nhà đầu tư lọt vào danh sách ngắn đã được phê duyệt”.

Trước đó, ngày 1/12/2023, danh tính 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ đã được công bố, gồm: Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc - CTCP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) - Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (APT); Gulf Energy Development Public Company Limited (Thái Lan); Tập đoàn SK (Hàn Quốc); Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (POW) - CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group).

Ngày 25/7/2024, HSMT được phê duyệt và ngày 30/7 được gửi tới các nhà đầu tư trong danh sách ngắn. Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá, 5 nhà đầu tư trong danh sách ngắn đều có tiềm lực và mong muốn thực hiện Dự án. Điều quan trọng lúc này là nhà đầu tư cần chứng minh năng lực thực sự bằng việc làm bài thầu thật tốt để có thể được lựa chọn.

Được biết, đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) là Viện Năng lượng.

SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc chỉ sau Samsung và Hyundai. Tập đoàn này có nhiều khoản đầu tư lớn vào các doanh nghiệp Việt Nam, nổi bật là thương vụ đầu tư 1 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng) để mua cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup vào giữa năm 2019. Từ đó, SK Group trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo thỏa thuận lúc đó, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tổng sở hữu của SK Group sau thương vụ này là 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương hơn 6% vốn điều lệ Vingroup. Giá trung bình cho giao dịch là 113.000 đồng/cp.

Theo báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn Vingroup, đơn vị đại diện SK Group vẫn còn sở hữu 5,97% vốn điều lệ, tương ứng gần 231,5 triệu cổ phiếu VIC. Số cổ phần SK Group sở hữu lớn thứ 4 trong danh sách cổ đông lớn tại Vingroup, sau Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và Công ty Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.

>> Vinhomes (VHM) trúng dự án khu đô thị sân golf gần 6.400 tỷ đồng trên núi

Novaland (NVL): Thêm tiến triển tích cực tại dự án ‘sống còn’ Aqua City

VinFast (VFS) ký hợp tác độc quyền với tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Qatar

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-lien-quan-mat-thiet-den-vingroup-vic-canh-tranh-cung-4-nha-thau-lam-du-an-58026-ty-dong-tai-thanh-hoa-245009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp liên quan mật thiết đến Vingroup (VIC) cạnh tranh cùng 4 nhà thầu làm dự án 58.026 tỷ đồng tại Thanh Hóa
    POWERED BY ONECMS & INTECH