Thị trường

Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch

Trang Nhung 14/04/2025 09:10

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh - loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên để hạn chế tác động xấu đến môi trường sống của con người. Tuy vậy, để thực hiện thành công việc chuyển đổi này, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Theo thống kê từ Tổ chức Du lịch thế giới, mỗi năm có hơn 1 tỷ lượt khách đi du lịch trên toàn cầu, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, nhưng cũng gây áp lực lớn đối với môi trường. Biến đổi khí hậu đã làm thời tiết trở nên khó lường, nước biển dâng cao và nguy cơ thiên tai gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch.

Trong bối cảnh này, chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn, mà còn là định hướng chiến lược của ngành du lịch, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhận thức được việc phát triển du lịch xanh chính là con đường khẳng định giá trị thương hiệu trong thị trường du lịch toàn cầu. Các doanh nghiệp du lịch đang từng bước áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường - xã hội và quản trị) cùng định hướng kinh doanh bền vững để phát triển toàn diện, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
Việc phát triển du lịch xanh là "chìa khóa" khẳng định giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp, địa phương (Ảnh: ITN)

Ông Phạm Hà - CEO Lux Group chia sẻ, doanh nghiệp xem điểm đến xanh là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Với bốn thế mạnh nổi bật như văn hóa phong phú, thiên nhiên đa dạng, ẩm thực độc đáo và con người thân thiện, Việt Nam có tiềm năng lớn để thu hút du khách cao cấp, đặc biệt từ châu Âu.

Ngay trong văn hóa của doanh nghiệp; Lux Group đã chú trọng phát triển xây dựng môi trường làm việc bền vững, nhân viên có trách nhiệm. Đồng thời tạo văn phòng xanh, chuyển đổi số giảm hơn 90% in ấn; không sử dụng nhựa dùng một lần; sản phẩm du lịch hài hòa giữa bảo tồn và lợi nhuận; chuỗi cung ứng được kiểm soát chặt chẽ; ưu tiên hợp tác với đối tác bền vững,...

“Tuy vậy, chuyển đổi xanh ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chi phí cao, thời gian hoàn vốn dài, khó thuyết phục đối tác cam kết tiêu chuẩn xanh. Một số điểm đến chưa được bảo tồn đúng mức, rác thải vẫn tồn tại, đặc biệt tại Vịnh Hạ Long”, Ông Hà cho biết.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều điểm du lịch đang có sự chuyển biến mạnh về xây dựng không gian xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động du lịch. Có thể kể đến như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương,... đều đặt mục tiêu trở thành điểm đến "an toàn - thân thiện - hấp dẫn" với du khách.

Bà Hoàng Thị Thu Hường - Giám đốc phát triển thị trường Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An cho hay, việc thực hành tiêu chuẩn xanh không còn dựa trên lý thuyết. Đối với Tràng An, giải pháp giảm phát thải được coi là chiến lược toàn diện.

Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
Tại Tràng An, giảm phát thải được coi là chiến lược toàn diện hướng đến phát triển du lịch xanh (Ảnh: ITN)

Theo đó, dù thường xuyên phục vụ một lượng lớn du khách (khoảng hơn 1 triệu khách/năm) nhưng không gian tại khu du lịch Tràng An vẫn rất sạch bởi có đội ngũ vớt rác, làm việc bất kể thời gian. Không chỉ nhân viên, trong hành trình di chuyển, hơn 2.000 lái đò cũng tham gia vào công việc vớt rác để giữ gìn sinh thái xanh - sạch nhất.

“Phát triển điểm đến xanh không chỉ là trách nhiệm của đơn vị quản lý điểm đến hay du khách, mà còn cần sự chung tay của các doanh nghiệp làm du lịch, bao gồm lữ hành, du thuyền hay lưu trú. Các doanh nghiệp có thể cùng cộng đồng bảo vệ điểm đến, thay vì chỉ khai thác điểm đến”, Giám đốc phát triển Tràng An nhấn mạnh.

>> ‘Thiên đường du lịch xanh' của ông Phạm Nhật Vượng được vinh danh top đầu vườn thú và thủy cung tại châu Á

Còn nhiều thách thức

Xu hướng du lịch xanh, bền vững đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá việc thực hiện chuyển đổi xanh trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng. Có ba rào cản lớn mà các doanh nghiệp du lịch phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xanh.

Thứ nhất, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như chủ động ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhưng việc tiếp cận với nguồn lực tài chính là thách thức của hầu hết các doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức kỹ thuật. Họ gặp khó khăn trong việc xác định vật liệu thay thế phù hợp, cách thực hiện chuyển đổi, hay cần tìm kiếm nguồn cung cấp đáng tin cậy ở đâu.

“Chính sách quản lý chưa hiệu quả cũng là lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện chuyển đổi xanh. Hay sự thiếu minh bạch và công bằng trong cách quản lý điểm đến cũng làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào hoạt động du lịch bền vững”, Ông Vũ Quốc Trí nêu ý kiến.

Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
Nhiều doanh nghiệp du lịch gặp thách thức trong việc chuyển đổi xanh (Ảnh: ITN)

Báo cáo thống kê từ khảo sát "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện với hơn 2.734 doanh nghiệp cho thấy, 46,8% doanh nghiệp thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh.

Chỉ có 5,9% doanh nghiệp cho biết không gặp khó khăn gì về vốn, trong khi đó 50% doanh nghiệp còn lại đang phải loay hoay với việc huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp; nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn so với FDI (50,3% so với 46,6%).

Bên cạnh đó, có tới 44,2% doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.

Trước vấn đề này, Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam nhìn nhận, có thể việc chuyển đổi là khó, nhưng không thể bỏ qua. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số đóng vai trò then chốt để đạt mục tiêu chuyển đổi xanh trong ngành du lịch. Công nghệ số không chỉ hỗ trợ quản lý tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua các giải pháp thông minh.

"Tuy vậy, đa số các doanh nghiệp du lịch hiện nay thuộc quy mô vừa và nhỏ, nên không có chi phí để đầu tư, tiếp cận công nghệ cao. Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn vốn hoặc đi vay vốn lại vô cùng khó khăn", Ông Thắng nhìn nhận.

Vị chuyên gia này đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi vay vốn hoặc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi xanh, bền vững.

>> Nhà đầu tư giàu tiềm lực, tâm huyết sẽ đưa Cát Bà thành đảo du lịch xanh toàn diện

Nhà đầu tư giàu tiềm lực, tâm huyết sẽ đưa Cát Bà thành đảo du lịch xanh toàn diện

‘Thiên đường du lịch xanh' của ông Phạm Nhật Vượng được vinh danh top đầu vườn thú và thủy cung tại châu Á

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-loay-hoay-voi-chuyen-doi-xanh-trong-nganh-du-lich-286603.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH