Doanh nghiệp nhà 'đại gia' xứ Thanh kín tiếng Trương Lâm chi gần 360 tỷ làm nhà máy sản xuất giầy

09-03-2024 19:00|Thảo Đan

Dự án nhà máy sản xuất giầy của ông Trương Lâm được thực hiện tại huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) với diện tích khoảng 6,5ha.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định số 931/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy giầy Thạch Định cho CTCP giầy Thạch Định làm chủ đầu tư.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng nhà máy gia công mũ giày. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 6,5ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 359,18 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư khoảng 72 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20,05%); vốn vay ngân hàng thương mại khoảng 287,18 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 79,95%).

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong 24 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.

>> Thanh Hoá có nhà máy sản xuất giày 340 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời hạn 12 tháng, nếu CTCP giầy Thạch Định không hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được thuê đất thực hiện dự án Nhà máy giầy Thạch Định tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành theo quy định thì quyết định này không còn giá trị pháp lý, CTCP giầy Thạch Định không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.

CTCP giầy Thạch Định (có trụ sở tại Số 5 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa) được thành lập ngày 13/5/2022, do ông Trương Lâm (SN 1953, trú tại Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty.

Khi thành lập, giầy Thạch Định có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa - CTCP nắm giữ 80%CP; ông Trương Lâm (15%CP) và ông Trương Văn San (5%CP). Tại ngày 28/12/2023, vốn điều lệ của công ty này nằm ở mức 72 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của giầy Thạch Định là Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, tiền thân là Công ty Kiến trúc địa phương Thanh Hóa có lịch sử từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2005, doanh nghiệp đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa như hiện nay. Năm 2006, doanh nghiệp này chính thức chuyển đổi cơ chế quản lý từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Tính đến cuối năm 2019, cổ đông lớn nhất nắm 98,48% vốn Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa là ông Trương Lâm. Ngoài ra, ông cũng là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT công ty.

Không có nhiều thông tin về vị doanh nhân sinh năm 1953, chỉ biết ông là cựu chiến binh với 36 năm trong quân ngũ. Ngay sau khi xuất ngũ, ông bén duyên với Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa vào khoảng năm 2005 và công tác tại doanh nghiệp này đến nay.

Vị doanh nhân sinh năm 1953 này có vai trò rất lớn trong việc đưa Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa vượt khỏi "cái áo" doanh nghiệp địa phương và vươn tầm, mở rộng thị trường phát triển ra tận Thủ đô Hà Nội.

Trước đó, vào cuối năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho CTCP Giầy Bá Thước thực hiện dự án nhà máy giầy Bá Thước. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 236,05 tỷ đồng. Tại dự án này, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa và đại gia xứ Thanh Trương Lâm cũng nắm giữ 95% cổ phần tại CTCP Giầy Bá Thước.

>> Hải Phòng tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị gần 5.000 tỷ đồng

Tập đoàn gạo lớn nhất Australia muốn mở rộng đầu tư - doanh nghiệp, nông dân Việt 'gặp thời'

Bật mí doanh nghiệp đứng sau màn trình diễn máy bay không người lái (drone) tại Bình Định sắp tới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-nha-dai-gia-xu-thanh-kin-tieng-truong-lam-chi-gan-360-ty-lam-nha-may-san-xuat-giay-225789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp nhà 'đại gia' xứ Thanh kín tiếng Trương Lâm chi gần 360 tỷ làm nhà máy sản xuất giầy
    POWERED BY ONECMS & INTECH