Chứng khoán

Doanh nghiệp niêm yết khởi động 'trào lưu thoái vốn'

Quốc Trung 25/06/2024 - 10:50

Thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần là giải pháp giúp các doanh nghiệp tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây cũng là "nước cờ quen" giúp báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết "đẹp hơn".

Xây dựng Hòa Bình thoái vốn 2 công ty liên kết

HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) ngày 18/6 đã thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại hai công ty liên kết và cử người đại diện phần vốn góp tại công ty con Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Hòa Bình.

Hai công ty liên kết mà Hòa Bình dự kiến thoái vốn là CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (hiện sở hữu 32,31% vốn) và CTCP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình (hiện sở hữu 47,82% vốn).

Công ty Anh Việt thành lập vào năm 1993. Tại thời điểm tháng 4/2017, vốn điều lệ của công ty là 22,5 tỷ đồng trong đó Xây dựng Hòa Bình nắm 46,933% vốn. Giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2023, Công ty Anh Việt có 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện ở mức hơn 60,5 tỷ đồng.

>> Xây dựng Hòa Bình (HBC) có thể lỗ năm thứ 3 liên tiếp?

Trong khi đó, Jesco Hòa Bình thành lập năm 2008 với vốn điều lệ hơn 36,4 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm HBC sở hữu 85%, ông Lê Viết Hưng (anh trai ông Lê Viết Hải) 5% và bà Phạm Diệu 10%.

Năm 2017, Jesco Hòa Bình tăng vốn điều lệ lên gần 72,9 tỷ đồng, trong đó Xây dựng Hòa Bình đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống 47,8%, cổ đông mới là CTCP Jesco Asia xuất hiện nắm 51.2%. Sang năm 2018, vốn điều lệ lên gần 80,2 tỷ đồng và Jesco Asia vẫn nắm 51,2%.

Dù cơ cấu cổ đông thay đổi nhưng người giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Jesco Hòa Bình vẫn là ông Lê Quốc Duy – người đồng thời giữa vai trò là Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (trước năm 2017). Ông Duy có mặt ở Tập đoàn Hòa Bình từ năm 2007, giữ chức Phó Tổng Giám đốc từ tháng 5/2012 và thành viên HĐQT từ tháng 4/2019.

Vị lãnh đạo này sau đó đã được miền nhiệm trong năm 2023 liên quan đến "cuộc chiến vương quyền" giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, Xây dựng Hòa Bình có thể tiếp tục báo lỗ trong năm 2024 với khoản lỗ trước thuế khoảng 480 tỷ đồng. Kết thúc quý I, công ty báo lãi 56,6 tỷ và có quý lãi thứ hai liên tiếp.

Vinaconex thu gần 200 tỷ đồng ngay trước mùa BCTC quý II

Ngày 21/6, Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (Mã VCG - HoSE) cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư của doanh nghiệp tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Doanh nghiệp niêm yết khởi động 'trào lưu thoái vốn'
Phối cảnh dự án Cảng Vạn Ninh với vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng

>> Vinaconex (VCG) tiếp tục ghi nhận quý II đột biến?

Tại thời điểm cuối quý I/2024, Vinaconex đang sở hữu 2 triệu cổ phần - tương đương 40% vốn điều lệ của Cảng quốc tế Vạn Ninh, giá trị phần vốn góp là 198,7 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, công ty trên được thành lập vào năm 2018, có trụ sở tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng do 3 cổ đông sở hữu là Dương Đông Group (chiếm 65% cổ phần), ông Dương Văn Thành (chiếm 15%) và ông Lê Tuấn Long (chiếm 20%). Đến tháng 9/2021, Vinaconex mua lại 40% cổ phần của doanh nghiệp này.

Đây là chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) có diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận gần 200 tỷ đồng từ thoái vốn ngay trước thềm kết thúc quý II, dự kiến doanh thu tài chính của VCG trong báo cáo tài chính tới đây sẽ ghi nhận con số đột biến - vượt trội so với 3 quý gần nhất.

Phát Đạt thông qua kế hoạch thoái vốn nghìn tỷ

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã PDR - HoSE) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Đầu tư Bất động sản BIDICI. Sau khi hoàn tất, BIDICI sẽ không còn là công ty liên kết của Phát Đạt.

Doanh nghiệp niêm yết khởi động 'trào lưu thoái vốn'
Diễn biến giá cổ phiếu PDR

Tại thời điểm ngày 31/3, PDR đang sở hữu 49% cổ phần tại công ty này - giá trị tương ứng 1.117,1 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Bất động sản BIDICI được thành lập vào tháng 10/2020, vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng do Phát Đạt sở hữu 99% vốn. Tháng 12/2020, công ty này phát hành 187 triệu cổ phần và Phát Đạt mua 77 triệu cổ phiếu qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về 49%.

Hoạt động này nhằm đáp ứng vốn chủ sở hữu để phê duyệt dự án đầu tư tại khu đất chung cư cao tầng Phân khu 9 (diện tích 45,94ha), thuộc Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định được Phát Đạt trúng đấu giá vào tháng 6/2019 với giá thắng thầu 647,6 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào Phân khu số 9 là 8.550 tỷ.

Long Hậu muốn thoái vốn một công ty khai thác cảng

Ngày 4/6, CTCP Long Hậu (Mã LHG - HoSE) thông qua phương án thoái vốn tại CTCP Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước.

Tại thời điểm cuối quý I/2024, Long Hậu đang sở hữu 80.000 cổ phiếu, tương ứng giá trị đầu tư là 80 tỷ đồng tại CTCP Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước. Báo cáo tài chính của LHG đã hạch toán là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2024, Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt 76,3 tỷ đồng, giảm 34,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của LHG đạt 31,5 tỷ - giảm 32,3% YoY.

Được biết năm 2024, Long Hậu đặt kế hoạch doanh thu 743,7 tỷ đồng và lãi sau thuế 131,5 tỷ đồng.

Vincom Retail rời tay Vingroup

Thương vụ thoái vốn đáng chú ý nhất được ghi nhận trong tháng 3/2024 khi Tập đoàn Vingroup (Mã VIC - HoSE) đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại CTCP Kinh doanh Thương mại Sado - đơn vị đang nắm 41,5% vốn điều lệ của CTCP Vincom Retail (Mã VRE - HoSE). Sau khi thoái vốn, Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup do Tập đoàn này chỉ còn sở hữu 18,8% vốn VRE.

Doanh nghiệp niêm yết khởi động 'trào lưu thoái vốn'
Cổ phiếu VRE bất ngờ tăng trần trong phiên sáng 25/6

Thương vụ trên đã giúp Vingroup có khoản lãi bất thường 17.690 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024 nhờ ghi nhận một phần giá trị giao dịch nhượng bán.

Sau khi đổi chủ, Vincom Retail vẫn ký hợp đồng quản lý hoặc tư vấn hỗ trợ với Vingroup (khi cần thiết) và đảm bảo quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các trung tâm thương mại như đã cam kết trong các hợp đồng đã ký. Đối với các dự án trung tâm thương mại trong kế hoạch phát triển sẽ không có thay đổi về các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng mà Vincom Retail đã đặt cọc với Vingroup và Vinhomes (Mã VHM - HoSE).

>> Ví điện tử ZaloPay lỗ hàng nghìn tỷ sau nhiều năm

Báo Hàn: SK Group muốn thoái vốn khỏi 2 ‘ông lớn’ tại Việt Nam, thu về 720 triệu USD

Lazada bác bỏ tin đồn 'gã khổng lồ' TMĐT Alibaba thoái vốn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-niem-yet-khoi-dong-trao-luu-thoai-von-239899.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp niêm yết khởi động 'trào lưu thoái vốn'
POWERED BY ONECMS & INTECH