Chưa rõ đây là động thái chốt lời hay tháo chạy của lãnh đạo Logistics Portserco (Mã PRC).
Bà Âu Thị Mai Hoa - Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Logistics Portserco (Mã PRC - HOSE) vừa đăng ký bán toàn bộ 19.000 cổ phiếu PRC (tỷ lệ 1,58% vốn) theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh từ ngày 24/3 - 21/4/2023 nhằm giải quyết một số việc gia đình.
Trên thị trường, sau rung lắc, cổ phiếu PRC kết phiên 22/3/2023 giảm 6,2% về mức 69.200 đồng dù có thời điểm tăng lên mức 76.000 đồng thị giá. Dù vậy, so với mức 18.000 đồng hồi cuối tháng 10/2022, mã hiện đã tăng tới 284% giá trị.
Lần gần nhất vị lãnh đạo này thực hiện giao dịch là ngày 31/12/2013 khi mua vào 5.000 cổ phiếu nâng lượng sở hữu lên mức 19.000 như hiện tại. Thời điểm này, cổ phiếu PRC có giá (sau điều chỉnh) chỉ 4.660 đồng.
Được biết cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngày 29/11/2010 với giá tham chiếu 30.000 đồng.
Như vậy, việc bán ra của bà Hoa thực chất là hoạt động chốt lời. Tạm tính so với giá gốc bà Hoa có thể bỏ ra là gần 450 triệu đồng để sở hữu 19.000 cổ phiếu (10 năm trở về trước), nếu bán ra thành công ở mức giá hiện tại, Thành viên Ban Kiểm soát Logistics Portserco có thể thu về số tiền khoảng 1,31 tỷ đồng - tương ứng gấp gần 3 lần giá trị đầu tư gốc.
Đáng nói, thời gian đăng ký bán ra của bà Hoa nằm trong khoảng thời gian PRC chốt danh sách cổ đông (31/3/2023) để chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 350% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 35.000 đồng). Ngày thanh toán là 20/4/2023.
Như vậy, nếu bán ra sau ngày 31/3, ước tính vị lãnh đạo này có thể được nhận thêm 665 triệu đồng tiền cổ tức.
Ở diễn biến liên quan, ông Mai Văn Quang - Ủy viên HĐQT Logistics Portserco cũng đã đăng ký bán hết 51.100 cổ phiếu (tỷ lệ 4,26%) từ 10/3 - 7/4/2023 với lý do nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Được biết lượng cổ phiếu PRC ông Quang đang nắm giữ hiện được vị lãnh đạo sở hữu từ cuối năm 2019. Tại thời điểm này, mã chỉ có giá 8.680 đồng/cổ phiếu.
Trong thông báo mới đây, AzFin Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phần Logistics Portserco có thể theo đuổi mục tiêu ngắn hạn để "ăn" cổ tức; các nhà đầu tư đang đứng ngoài cuộc cần tránh mua đuổi PRC để tránh gặp rủi ro khi doanh nghiệp "có biến".
Cơ sở được AzFin Việt Nam đưa ra là cảnh báo kết quả kinh doanh đột biến của PRC từ việc bán tài sản có thể sẽ không còn được duy trì trong tương lai. Do đó nếu trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, EPS của PRC sẽ chỉ ở mức hơn 1.100 đồng/cổ phiếu. Khi đó giá cổ phiếu sẽ trở về mức bình thường trước đây là 8.000 - 20.000 đồng.
Đvt: Đồng |
Logistics Portserco (PRC): Lãi 6 tháng 2022 bằng nửa tháng lương người lao động