Doanh nghiệp thời trang nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lỗ
Nửa đầu năm 2023, CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, doanh nghiệp kinh doanh thời trang cao cấp của gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn lỗ hơn 7 tỷ đồng.
CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) của ông Jonathan Hạnh Nguyễn vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên 2023.
Kết thúc quý II, DAFC ghi nhận vốn chủ sở hữu 570 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả giảm 9% xuống còn 809 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm 7,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 130,6 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 22,87% về mức âm 1,3%.
Trong năm 2016 và 2017, DAFC có phát hành 2 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 330 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trái phiếu sẽ đáo hạn lần lượt vào ngày 7/9/2023 và 14/2/2024. Ngày 7/8/2023 doanh nghiệp đã tất toán cả 2 lô trái phiếu nói trên, đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng.
DAFC ra đời sau quyết định mở rộng kinh doanh bán lẻ và thời trang cao cấp của bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn). Đây là nhà phân phối chính thức của hơn 60 thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới.
Bên cạnh mảng thời trang, DAFC hiện là cổ đông lớn sở hữu trên 10% số cổ phần có quyền biểu quyết tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* SDA: HĐQT CTCP Simco Sông Đà - Simco thông qua quyết định chuyển nhượng các dự án, khoản đầu tư do không hiệu quả. SDA sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng quyền thực hiện dự án tại ô đất có ký hiệu HH thuộc khu đô thị mới Cầu Bươu tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
* TNG: Trong tháng 11, doanh thu của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đạt 556 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, là tháng thứ năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương.
* FMC: CTCP Thực phẩm Sao Ta tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan trong tháng 11/2023, với doanh số chung đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
* PGC: Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế giảm từ 168 tỷ đồng về 135 tỷ đồng (giảm gần 20%).
* SDT: CTCP Sông Đà 10 thông báo nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế TP Hà Nội. Tổng số tiền phạt và truy thu lên hơn 1 tỷ đồng.
* HVH: CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC góp 70% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình kinh doanh trong mảng bất động sản với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
* BAF: HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vừa thông qua việc góp 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Logistic BAF Việt Nam với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
* SAM: Ngày 28/11 HĐQT CTCP Sam Holdings thông qua việc cung cấp thư bảo lãnh thanh toán cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của công ty con - CTCP Dây và Cáp Sacom tại Ngân hàng Maybank chi nhánh TPHCM và chi nhánh Hà Nội, với hạn mức tín dụng tối đa lên đến 5 triệu USD.
* SRC: CTCP Tập đoàn Hoành Sơn, liên quan đến Chủ tịch HĐQT của CTCP Cao su Sao Vàng vừa hoàn tất mua vào hơn 7,2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,22% và chính thức vượt qua Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinahcem) để trở thành cổ đông lớn nhất tại SRC.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 1/12, VN-Index tăng 8,03 điểm (+0,73%) lên 1.102,16 điểm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,05%) lên 2276,26 điểm, UpCOM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23% ) lên 85,19 điểm.
Chứng khoán VNDirect nhận định, thị trường chứng khoán vừa có tuần phục hồi sau khi đón nhận một số thông tin vĩ mô hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước. Lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, VNDirect bảo lưu quan điểm rằng thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi.
Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.120 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý 4 như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.
Theo Chứng khoán Agriseco, việc thiếu động lực thúc đẩy giá ở nhóm vốn hóa lớn phần nào khiến chỉ số VN-Index chững lại. Thanh khoản thị trường ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang thận trọng chờ đợi xác nhận xu hướng tăng một cách rõ ràng hơn.
Agriseco cho rằng thị trường đã dần hấp thụ hết các thông tin không mấy tích cực trong thời gian vừa qua.
Cùng với diễn biến tích cực của các TTCK trên thế giới, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp và sẽ sớm xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền lớn quay trở lại thị trường.