Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD

02-01-2023 09:44|Hồng Hải

Theo ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ, doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh đã được ban lãnh đạo FPT phê duyệt.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT của CTCP FPT vừa có bài viết chia sẻ: "Khát vọng đầu năm: 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu".

Ông Bảo cho biết sang năm 2023, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh đã được lãnh đạo FPT phê duyệt.

Ông Đỗ Quang Bảo tự tin "có đến 99% sẽ hoàn thành" kế hoạch này. Bởi năm 2022 vừa qua, FPT Software đã đạt con số 1 tỷ USD tổng giá trị thắng thầu, 800 triệu USD doanh số và với tốc độ tăng trưởng 26% trung bình 3 năm gần đây. Do đó, con số 1 tỷ USD năm 2023 là rất hiện thực.

Để những người quan tâm dễ hình dung về độ lớn của con số 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu, ông Bảo so sánh: 1 tỷ USD tương đương với 23.500 chiếc xe VinFast VF8 bán ở Mỹ (với giá 42.500 USD một xe), tức tương đương với 23,5 chuyến tàu Silver Queen chở ô tô điện VinFast VF8 xuất cảng hôm 25/11/2022 vừa qua ở Hải Phòng.

1 tỷ USD là số tiền đủ để nhập khẩu 80% số điện thoại iPhone hoặc 115% số điện thoại Samsung hoặc 70% số ô tô con 7 chỗ trở xuống cho toàn bộ thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Chưa hết, khác với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giầy dép, túi xách, máy móc phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84%, cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp (một đôi giầy Nike sản xuất ở Việt Nam thì phần Việt Nam chỉ có 22% thôi, phần của Mỹ là 78%).

"Như vậy có thể nói rằng, 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, may mặc, giầy da, túi xách, máy móc, phụ tùng" - Ông Bảo đánh giá.

do-cao-bao.png
Bài viết của ông Đỗ Cao Bảo trên facebook cá nhân.

Từ đó có thể thấy 1 tỷ USD là một con số rất lớn. Vậy tại sao dịch vụ phần mềm lại có giá trị gia tăng cao như vậy?

Theo ông Bảo chia sẻ, làm dịch vụ phần mềm không cần phải đầu tư dây truyền sản xuất, không phải nhập khẩu (mua) nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít: mỗi người làm phần mềm chỉ 1 chiếc máy tính và một chút bản quyền phần mềm cỡ 1200 USD, khấu hao 5 năm, mỗi năm 240 USD. Chi phí lớn nhất của dịch vụ phần mềm là chi phí nhân công (lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, đào tạo, văn phòng làm việc), toàn chi cho con người và chi ở Việt Nam.

Xuất khẩu phần mềm, ngoài việc mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, tạo ra nhiều công ăn việc làm có năng xuất cao, còn thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, góp phần vào ổn định tiền tệ quốc gia.

Nếu một doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn 26% năm thì sau 3 năm doanh số sẽ lớn gấp 2 lần, sau 6 năm sẽ lớn gấp 4 lần, sau 9 năm sẽ lớn gấp 8 lần và sau 12 năm sẽ lớn gấp 16 lần.

"Như vậy nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 26% năm như 5 năm qua, thì doanh số của FPT Software đến năm 2026 là 2 tỷ USD, đến năm 2029 là 4 tỷ USD, đến năm 2032 là 8 tỷ USD và đến năm 2035 là 16 tỷ USD. Điều ấy có nghĩa rằng đến năm 2035, giá trị mà FPT Software tạo ra sẽ tương đương với 64 tỷ USD nhóm hàng sản xuất công nghiệp" - Ông Bảo tính toán dựa trên giả định FPT Software có thể giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn đến 2 chữ số.

co-hoi-vang-xuat-khau-phan-mem-sang-nhat-ban.jpg

Xuất khẩu phần mềm, ngoài FPT ra còn có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phần mềm khác, tạo ra một ngành kinh tế có qui mô và ý nghĩa kinh tế, xã hội không hề nhỏ, không hề thua kém nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Bảo khẳng định: Cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn, bởi riêng Ấn Độ, năm 2022 ngành xuất khẩu phần mềm đã mang về 200 tỷ USD cho đất nước họ, tương đương 50% GDP của Việt Nam.

Dưới phần bình luận, một số người đã bày tỏ sự tự hào và niềm tin vào quyết tâm của FPT, mở ra một tương lai "không chỉ xuất khẩu dịch vụ outsourcing phần mềm mà phần mềm Made by Vietnamese bán ở khắp thế giới và chuyên gia Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn, triển khai đi khắp thế giới".

Thực tế hiện nay, đã có sản phẩm sản xuất bởi FPT được bán cho gần 3000 khách hàng ở 20 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Singapore, Đài Loan,... Đó là sản phẩm AkaBot.

Dẫn nguồn tờ Forbes, sản phẩm AkaBot đã được hãng nghiên cứu SoftwareReviews thuộc Info-Tech Reseach Group (Tập đoàn chuyên nghiên cứu trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng toàn cầu dùng dịch vụ, phần mềm CNTT) đánh giá đạt tổng 7,5/10 điểm, chỉ số cảm xúc người dùng đạt 88/100 điểm và lọt top 6 nền tảng sử dụng RPA tốt nhất thế giới năm 2020.

Được thành lập năm 1999, trải qua hơn 20 năm phát triển, FPT Software hiện là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ hàng đầu và cũng là công ty công nghệ phần mềm lớn mạnh nhất Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp đang có 59 văn phòng ở 28 quốc gia và quy mô hơn 27.000 nhân viên. FPT Software luôn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Không phải Đà Nẵng hay Khánh Hòa, 1 tỉnh bất ngờ có doanh thu du lịch cao nhất dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Phố thương mại Grand World bùng nổ doanh thu dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Mang tiền về cho cổ đông, Apple công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-thu-xuat-khau-phan-mem-nam-2023-cua-fpt-software-du-kien-la-1-ty-usd-164577.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH