Điểm đến

Độc đáo làng cổ bên dòng sông chảy ngược, tiếng là 'làng trong phố' nhưng vẫn mang vẻ nguyên sơ, mộc mạc

Quỳnh Như 08/01/2024 - 11:24

Cách không xa trung tâm TP Kon Tum, ít ai ngờ có một ngôi làng cổ vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng.

Sông Đăk Bla chảy theo hướng đông-tây, ngược lại so với những con sông khác của nước ta, nên người dân địa phường thường gọi dòng sông chảy ngược.

Con sông có lưu vực gom cả một vùng rộng lớn Bắc Tây Nguyên, hình thành những ngôi làng cổ nhất của đại ngàn. Một trong số những khu vực cư trú tập trung của người Ba Na còn lại hiện nay sau rất nhiều biến động địa chất và thời cuộc chính là làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum.

Làng Kon K’Tu bên bờ sông Đăk Bla

Làng Kon K’Tu bên bờ sông Đăk Bla

Cái tên Kon K’Tu theo tiếng Ba Na có nghĩa là làng cũ, từ thời cổ xưa. Chỉ cái tên gọi cũng đã chứa đựng niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trải qua mấy trăm năm dâu bể, ngôi làng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hoang sơ. Trong làng phần lớn vẫn là những căn nhà sàn theo kiểu truyền thống. Thậm chí vẫn còn nhiều ngôi nhà vách đất nhuốm màu năm tháng.

Cầu treo Kon K'lor, cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Tây Nguyên, bắc qua sông Đăk Bla

Cầu treo Kon K'lor, cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Tây Nguyên, bắc qua sông Đăk Bla

Tiếng là "làng trong phố", thế nhưng Kon K’Tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người Ba Na. Đường vào làng Kon K’Tu quanh co, uốn lượn theo dòng Đăk Bla huyền thoại. Con đường đẹp như một bức tranh, có đoạn là nương lúa xanh rì rào, có đoạn là vách đồi dựng đứng, còn một bên là con sông ngập nước, thấp thoáng những cô gái mặc váy áo Ba Na vai mang gùi chứa đầy nông sản. Men theo con đường nhỏ, uốn lượn duyên dáng, làng Kon K’Tu hiện ra bắt đầu từ những ngôi nhà sàn lợp mái lá xám đậm chất truyền thống của người Ba Na.

Toàn cảnh làng Kon K’Tu

Toàn cảnh làng Kon K’Tu

Làng ở vị thế rất đẹp, một bên là núi rừng hùng vĩ, một bên là dòng sông hiền hòa ôm vòng theo đường cung lượng, bao bọc lấy ngôi làng. Nhà rông - trái tim của buôn làng được xây dựng trên một khoảng đất bằng phẳng, vuông vức ở trung tâm, từ lâu ngôi nhà rông Kon K’Tu này đã trở thành hình ảnh quen thuộc cho du lịch Kon Tum.

Mái nhà rông cao vút nằm giữa làng Kon K’Tu là nơi sinh hoạt của cả cộng đồng. Ảnh: Đức Nhật/Báo Thanh Niên

Mái nhà rông cao vút nằm giữa làng Kon K’Tu là nơi sinh hoạt của cả cộng đồng. Ảnh: Đức Nhật/Báo Thanh Niên

Nhà xây dựng đơn giản với bộ khung gỗ chắc chắn, vách bằng tre. Mái lá nhà rông cao chót vót, lợp bằng lá, ngả màu xám đen qua bao nhiêu tháng năm mưa gió, cầu thang là một thân cây gỗ còn nguyên được đục đẽo thành nhiều bậc. Đứng ở phía nào của làng cũng nhìn thấy mái nhà cao đẹp nổi bật.

Trong ngôi làng Ba Na, nhà rông ở đâu thì tâm của làng ở đó. Kon K’Tu còn đặc biệt hơn bởi có ngôi nhà thờ Công giáo ngay kế bên ngôi nhà rông. Kon Tum vốn là vùng đất được du nhập Công giáo đầu tiên ở Tây Nguyên. Điều thú vị là ngay từ khi du nhập vào, Công giáo đã được bản địa hóa. Các ngôi nhà thờ được dựng lên bằng gỗ, tuân thủ kiến trúc Gothic phương Tây nhưng hơi hướng thì vẫn là ngôi nhà sàn gần gũi của Tây Nguyên.

Nhà thờ cổ kính của làng Kon K’Tu. Ảnh: Đức Nhật/ Báo Thanh Niên

Nhà thờ cổ kính của làng Kon K’Tu. Ảnh: Đức Nhật/ Báo Thanh Niên

Hiện nay, ngôi nhà thờ gỗ của làng được sử dụng như một nơi sinh hoạt văn hóa, bên trong là giáo đường sử dụng cho các ngày lễ Thánh. Còn lại, đây là nơi để tập hát, tập múa, hòa ca và sử dụng nhạc cụ truyền thống. Trên các cột kèo của giáo đường, các bộ chiêng quý của làng Kon K’Tu treo đó để du khách thưởng lãm, đồng thời cũng để lấy xuống dùng trong sinh hoạt văn hóa chung.

Từ nhà rông, du khách có thể tản bộ ra xung quanh thăm thú cảnh đẹp và cuộc sống của người Ba Na trong làng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp giữa nhiều ngôi nhà sàn là hình ảnh các mẹ, các chị đang miệt mài bên khung cửi, xung quanh là những cô cháu gái mắt tròn xoe chăm chú theo dõi, học cách dệt.

Tiếng đạp chân vào khung cửi gỗ nhịp nhàng, cần mẫn, họ khéo léo phối mầu theo họa tiết riêng trên khăn, túi, áo... Hàng ngày, họ mặc quần áo đơn giản nhưng khi đến lễ hội nhất định họ sẽ diện những bộ váy áo sặc sỡ, do chính mình dệt, vừa thể hiện lòng tự hào trang phục dân tộc mình vừa khoe thầm sự tài hoa, khéo léo của mình.

Những người phụ nữ Ba Na miệt mài bên khung cửi

Những người phụ nữ Ba Na miệt mài bên khung cửi

Phía sau làng là dòng sông Đăk Bla, bãi cát trắng xóa rộng khá, bờ bên kia sông là những hàng chuối mọc sát mép nước, cao lên một chút là rừng xanh ngắt. Bến thuyền độc mộc có vài chiếc đang neo đậu, đây là loại thuyền truyền thống của người Ba Na được làm từ một thân cây gỗ to và đòi hỏi bàn tay người thợ phải có kỹ thuật điêu luyện để thuyền cân đối và bền chắc.

Buổi chiều, những chiếc thuyền chở nặng chuối, lúa, khoa mì ở trên rẫy về, cuộc sống nơi đây thật yên ấm, trù phú. Nếu thích, du khách có thể lên thuyền cùng người trong làng xuôi dòng nước, đi qua nương lúa, nương bắp xanh rì. Vào mùa mưa nước sông dâng lên sát mép bến thuyền, ngược lên phía trên đầu nguồn, dừng chân ở phiến đá rộng phẳng lì, ngắm nhìn dòng sông cuồn cuộn, hai bên cánh rừng nguyên sinh rủ bóng mới thấy được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên.

>> Bên trong làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia: Lưu giữ gần nghìn nhà cổ, trả tiền tỷ cũng không mua được

Ngôi làng đặc biệt dưới chân đèo Cù Mông: Hơn 150 năm sản xuất loại gia vị người Việt thường dùng, quý tới nỗi từng có lính canh trực luân phiên

Ngôi làng tựa cổ tích với trăm hoa đua sắc suốt 4 mùa, được ví von như ‘viên ngọc quý’ của đất nước Trung Âu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/doc-dao-lang-co-ben-dong-song-chay-nguoc-tieng-la-lang-trong-pho-nhung-van-mang-ve-nguyen-so-moc-mac-d114325.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Độc đáo làng cổ bên dòng sông chảy ngược, tiếng là 'làng trong phố' nhưng vẫn mang vẻ nguyên sơ, mộc mạc
    POWERED BY ONECMS & INTECH