Độc lạ công ty Việt dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu: Chỉ 8.000-10.000 đồng/lít, đối tác của HAGL, Lộc Trời,...
Tính đến giữa năm 2022, công ty này đã phục vụ hơn 3 triệu ha diện tích canh tác nông nghiệp khắp cả nước bằng máy bay không người lái.
Là quốc gia nông nghiệp nhưng đây là ngành chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong việc đóng góp vào sự phát triển GDP của nước ta. So với các nước trong khu vực, nông sản Việt Nam có sản lượng và chất lượng không cao. Các mặt hàng nông nghiệp khó có mặt tại những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn...
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là công tác phòng trừ sâu bệnh chưa hiệu quả khi hiện nay, hầu hết nhà nông vẫn quen với hình thức phun truyền thống bằng bình phun hay các loại máy móc mặt đất khác. Phun thuốc theo cách này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và năng suất cây trồng.
Vì vậy, những năm gần đây, máy bay không người lái đang dần được ứng dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nước ta. Trong đó, AgriDrone Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào đời sống, sản xuất nông nghiệp như bón phân, phun thuốc,... Trong mảng nông nghiệp, AgriDrone không chỉ sử dụng cho trồng trọt mà còn có drone chuyên dụng cho canh tác rừng.
Ông Nguyễn Văn Thiên Vũ - Giám đốc của Agridrone. |
Agridrone Việt Nam có tiền thân từ một phòng nghiên cứu, phát triển và sản xuất drone, được thành lập vào năm 2012. Đến năm 2019, công ty đã trở thành TOP 1 về phân phối drone (theo thông tin tự công bố).
Drone (UAV – Unmanned Aerial Vehicle) là các loại phương tiện bay hay máy bay không người lái, máy bay có điều khiển từ xa và không có sự hiện diện của con người ở bên trong buồng lái. Drone có thể bao gồm nhiều loại với kích thước, hình dạng và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau (Theo Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA)).
Pháp nhân sở hữu AgriDrone hiện nay theo giới thiệu trên website là CTCP thiết bị Agridrone. Năm 2020, CTCP thiết bị Agridrone ra đời với 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Thành Tâm, Mai Anh Tuấn và Nguyễn Văn Thiên Vũ. Vốn góp của Agridrone ban đầu là 2,5 tỷ đồng. Mới gần đây, vào cuối tháng 12/2022, Agridrone đã nâng vốn điều lệ lên 10 tỷ đồng.
Người đại diện theo pháp luật đồng thời là Giám đốc của Agridrone là ông Nguyễn Văn Thiên Vũ (sinh năm 1991), người gốc Thừa Thiên Huế. Ngoài Agridrone, ông Vũ còn đứng tên CTCP thiết bị bay Iflight Việt Nam. Đồng thời, 2 cổ đông sáng lập của Iflight cũng bao gồm ông Nguyễn Thành Tâm, Mai Anh Tuấn.
Hiện nay, Agridrone chủ yếu phân phối sản phẩm từ nước ngoài, trong đó có hãng drone lớn nhất thế giới về thương mại – DJI. Agridrone nhập về và chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam.
Trong bài phỏng vấn với Tạp chí Phụ nữ mới hồi cuối năm 2020, Giám đốc của Agridrone cho biết công nghiệp phụ trợ của Việt Nam dù đã dần hoàn thiện nhưng vẫn còn mỏng, một số linh kiện còn thiếu rất nhiều và phải nhập khẩu như pin, mô-tơ, cánh quạt,… Do đó, việc tự sản xuất drone trong nước sẽ bị đội giá thành lên rất nhiều.
Đối tượng khách hàng của Agridrone bao gồm cả khách hàng là các hộ nông dân nhỏ lẻ hoặc các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Bayers, ADC, Lộc Trời,…
Sản phẩm drone của AgriDrone Việt Nam hiện nay đã có mặt trên 50 tỉnh, thành trong cả nước và được ứng dụng lũy kế với trên 5 triệu ha cây trồng. Với việc dùng drone trong quy trình canh tác nông nghiệp, Agridrone Việt Nam giúp tiết kiệm 1,5 tỷ lít nước trong canh tác nông nghiệp, phần nào giảm phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính, giảm một phần lượng thuốc rơi vãi trên nước và đất, cải tạo nguồn đất nông nghiệp, chi phí canh tác giảm 20-30%, chất lượng nông sản được nâng tầm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát minh bạch.
Trong một lần chia sẻ trên Báo Đầu tư vào tháng 7/2022, ông Nguyễn Văn Thiên Vũ cho biết, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt là lợi ích đầu tiên khi áp dụng công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái. Thiết bị bay này sử dụng đầu phun với hiệu ứng phun sương cắt nhỏ hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt, hạt thuốc có thể phát tán đều lên mặt trước và mặt sau của lá. AgriDrone Việt Nam có đội ngũ chuyên gia nông nghiệp tư vấn về các kỹ thuật.
So với phương pháp thủ công và cơ giới, hiệu quả phòng dịch khi sử dụng công nghệ drone tăng 15 - 35 %, tiết kiệm 30% lượng thuốc sử dụng và 90% lượng nước tiêu thụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Ngoài hiệu quả dập dịch và tiết kiệm chi phí thì vấn đề về nhân lực cũng được giải quyết khi áp dụng công nghệ drone vào nông nghiệp. Lao động trẻ và trung niên ở nông thôn khan hiếm, giá nhân công ngày càng cao, hơn nữa, thuốc bảo vệ thực vật rất có hại cho cơ thể. Máy bay không người lái được vận hành từ xa, đảm bảo an toàn cho hoạt động phun thuốc.
Hiện AgriDrone tính tiền công 8.000 - 10.000 đồng/lít. Ví dụ phun một vườn chuối cần 150 lít thì chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Trong đó, phi công thường được nhận 30% doanh thu. Công ty AgriDrone hiện có 300 người nhân sự, nếu tính cả phi công là hơn 6.000 người. Từ năm 2020, công ty mở thêm học viện đào tạo drone, đào tạo trung bình 400 phi công mới mỗi tháng.
Việt Nam tiếp nhận 5 máy bay T-6C thế hệ mới từ Mỹ
Hãng hàng không giá rẻ tiên phong ở Mỹ nộp đơn phá sản sau 5 năm lỗ triền miên