Độc tính của hoá chất trong rượu khiến 22 người ngộ độc sau bữa tiệc ở Long Biên
Cơ quan chức năng xác nhận vụ ngộ độc xảy ra ở Long Biên (Hà Nội) ngày 19/12 liên quan tới Acetonitrile trong rượu.
Ngày 24/12, theo thông tin từ Bộ Y tế, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc xảy ra tại phường Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) vào ngày 19/12 là “hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến sử dụng trong bữa ăn". Cục An toàn thực phẩm chưa công bố lý do hóa chất này có mặt trong mẫu rượu trắng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay Acetonitrile là hóa chất có tính hòa tan tốt. Đây là dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Gần gũi nhất, Acetonitrile từng đã được dùng để dung môi tẩy sơn móng tay, chân. Nhưng do độc tính của chúng nên từ năm 2000 ở khu vực châu Âu đã cấm dùng Acetonitrile trong các loại hóa mỹ phẩm.
"Hóa chất này thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu. Việc phát hiện ra trong mẫu bệnh phẩm có Acetonitrile có thể là do rượu giả được pha từ cồn dung môi công nghiệp hoặc ô nhiễm từ can hay chai lọ trước đó đã chứa Acetonitrile. Cùng đó, do hóa chất này chỉ có mùi ngọt, hơi hắc nhẹ nên với hàm lượng thấp trong rượu thường không phát hiện được", bác sĩ Cấp nhận định. Acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hoá chậm thành cyanide gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ.
Tác động của Acetonitrile
Acetonitrile là chất lỏng không màu, dễ cháy với mùi ngọt giống ether, tan hoàn toàn trong nước và các dung môi hữu cơ. Do các đặc tính trên, Acetonitrile thường được sử dụng làm dung môi trong tổng hợp hóa học, đặc biệt trong ngành dược phẩm; chiết xuất các axit béo và dầu; làm chất điện phân trong pin.
Việc xuất hiện Acetonitrile trong đồ uống có cồn là điều bất thường, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo NJ Health, khi xâm nhập vào cơ thể, Acetonitrile được chuyển hóa thành Hydrogen Cyanide - chất độc mạnh ngăn cản quá trình hô hấp tế bào. Quá trình chuyển hóa trên thường chậm, dẫn tới các triệu chứng cũng chậm hơn.
Người bệnh có thể cảm thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, lo âu, sau đó tiến triển thành lú lẫn, buồn ngủ và thở gấp. Trong các trường hợp nghiêm trọng, phơi nhiễm có thể gây mất ý thức, co giật, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Tiếp xúc với Acetonitrile có thể xảy ra qua đường hít thở, ăn uống, hoặc tiếp xúc qua da.
Khả năng khiến rượu có Acetonitrile
Các trường hợp ngộ độc Acetonitrile trong đồ uống có cồn khá hiếm, nhưng khả năng xảy ra sự cố như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát nghiêm ngặt trong sản xuất rượu. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ:
Ô nhiễm từ dung môi công nghiệp
Acetonitrile được sử dụng rộng rãi như một dung môi trong công nghiệp. Nếu các thiết bị hoặc thùng chứa từng tiếp xúc Acetonitrile không vệ sinh đúng cách trước khi sản xuất rượu, lượng nhỏ Acetonitrile có thể xâm nhập vào sản phẩm. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sạch nghiêm ngặt các thiết bị tại cơ sở sản xuất.
Ô nhiễm từ môi trường
Acetonitrile có thể tồn tại trong môi trường do phát thải công nghiệp. Nếu các cơ sở sản xuất nằm gần những nguồn phát thải này, có nguy cơ Acetonitrile làm ô nhiễm nguồn nước hoặc nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất đồ uống.
Sử dụng phụ gia nhiễm bẩn
Một số phụ gia hoặc hương liệu được sử dụng trong đồ uống có cồn có thể nhiễm Acetonitrile, đặc biệt nếu được tổng hợp từ các quy trình liên quan đến dung môi này. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà sản xuất cần đảm bảo rằng tất cả phụ gia đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm và được cung cấp từ nguồn đáng tin cậy.
>> Công bố nguyên nhân khiến 22 người ngộ độc sau bữa tiệc ở Long Biên, Hà Nội
Công bố nguyên nhân khiến 22 người ngộ độc sau bữa tiệc ở Long Biên, Hà Nội
2 người nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn nhầm con giống sam biển