Thế giới

Đơn hàng sang Trung Quốc bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp quay cuồng tìm lối thoát: Chuyện gì xảy ra?

Thanh Lê 24/05/2025 19:16

Trung Quốc từ lâu là thị trường lớn cho heo giống và các sản phẩm di truyền vật nuôi của Mỹ, bao gồm tinh bò.

Hàng chục con heo giống cao cấp của bác sĩ thú y Mike Lemmon – mỗi con trị giá từ 2.500 đến 5.000 USD – lẽ ra đã có mặt trên chuyến bay từ St. Louis đến Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua. Trong suốt hành trình, chúng sẽ chỉ việc...ngáy ngủ, cắn chơi và ăn yến mạch cùng bắp tách vỏ, trước khi được đưa đến các trang trại nuôi heo tại Trung Quốc.

Nhưng thay vì thế, nhiều con đã bị bán tháo với giá dưới 200 USD mỗi con cho một lò mổ ở Indiana sau khi khách hàng Trung Quốc hủy đơn hàng – chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.

Đơn hàng sang Trung Quốc bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp quay cuồng tìm lối thoát: Chuyện gì xảy ra? - ảnh 1
Lợn con ăn trong chuồng tại trang trại lợn ở Ryan, Iowa, Hoa Kỳ

Trung Quốc từ lâu là thị trường lớn cho heo giống và các sản phẩm di truyền vật nuôi của Mỹ, bao gồm tinh bò. Đây từng là mảng xuất khẩu lợi nhuận cao, tăng trưởng ổn định, cho đến khi Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Giờ đây, các nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ cho biết họ đã thiệt hại hàng triệu USD và mất đi những mối quan hệ thương mại quan trọng mà họ mất nhiều năm để xây dựng.

Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận tạm ngưng áp thuế vào tuần trước, nhiều doanh nghiệp cảnh báo rằng chính sách thương mại thiếu nhất quán của ông Trump đã để lại hậu quả lâu dài. Một số lo ngại Trung Quốc và các đối tác lớn có thể chuyển sang các đối thủ như Đan Mạch.

“Thương hiệu của chúng tôi đã bị tổn hại. Tuần nào cũng có khách hàng hỏi xem chuyện gì đang xảy ra với Mỹ”, ông Tony Clayton, chủ công ty xuất khẩu gia súc Clayton Agri-Marketing tại Missouri, nói. “Tôi không biết chúng tôi có thể khôi phục lại điều này hay không. Đây là tổn thất lâu dài”.

Phía Nhà Trắng, người phát ngôn Kush Desai trấn an rằng chính quyền đang “làm việc suốt ngày đêm để tìm thêm hàng tỷ USD cơ hội từ các đối tác khác”.

Các trại chăn nuôi như của ông Lemmon không nuôi heo để lấy thịt, mà là giống – một phân khúc nhỏ nhưng có giá trị trong ngành công nghiệp heo trị giá 37 tỷ USD của Mỹ. Những con heo giống này được lai tạo kỹ lưỡng để có gen tốt, sinh sản khỏe mạnh, tạo ra những lứa heo con chất lượng cao.

Ông Lemmon, một bác sĩ thú y kiêm nông dân tại Indiana, đã bán heo giống ra thế giới suốt hơn 30 năm. Thương vụ vừa bị hủy trị giá 2,4 triệu USD và mất hơn một năm để đàm phán. “Chúng được chọn lọc kỹ để có sức khỏe tốt, đẻ nhiều, tỷ lệ mỡ cao – cho ra loại thịt mềm, béo và thơm ngon. Khi mất đơn hàng như vậy, thực sự rất đau lòng”, ông nói.

Dù vậy, ông vẫn kiên định với công việc và đang tìm cách nối lại thỏa thuận với phía Trung Quốc trong giai đoạn “ngừng tăng thuế quan” hiện nay.

Đơn hàng sang Trung Quốc bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp quay cuồng tìm lối thoát: Chuyện gì xảy ra? - ảnh 2
Hàng chục con heo giống đã bị bán tháo với giá dưới 200 USD/con cho một lò mổ ở Indiana

Khoảng một nửa tổng đàn heo thế giới nằm ở Trung Quốc. Kể từ khi dịch tả heo châu Phi càn quét và tiêu diệt hàng triệu con heo vào năm 2018, Trung Quốc đã mua số lượng lớn heo giống từ Mỹ để khôi phục đàn.

Việc vận chuyển heo giống ra nước ngoài rất phức tạp. Các công ty thường phải cử người bay cùng để chăm sóc, cho ăn, và đảm bảo đàn heo “hạng thương gia” luôn khỏe mạnh, thoải mái. Khi rảnh rỗi, người chăm sóc nằm ngủ cạnh heo trong khoang hàng lạnh hoặc trò chuyện với phi hành đoàn.

Ngoài heo giống, tinh bò sữa cũng là mặt hàng từng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ. “Nhưng giờ thì không có một đơn vị tinh nào được xuất sang Trung Quốc”, ông Jay Weiker, Chủ tịch Hiệp hội Nhân giống Gia súc Quốc gia Mỹ, cho biết. Trung Quốc từng chiếm tới 25% lượng tinh bò xuất khẩu của Mỹ, dùng để cải thiện năng suất đàn bò sữa trong nước.

Sau vụ bê bối sữa bẩn năm 2008 khiến ít nhất 6 trẻ em tử vong và gần 300.000 người bệnh vì hóa chất melamine, Trung Quốc bắt đầu nhập tinh bò Mỹ để nâng cấp chất lượng đàn bò sữa.

Brittany Scott, chủ công ty SMART Reproduction Services chuyên về di truyền cừu và dê ở Arkansas, cũng đang chật vật. Một loạt khách hàng nước ngoài hủy đơn khiến hàng trăm lọ tinh cừu và dê đông lạnh phải nằm lại trong bể ni-tơ lỏng, chờ người mua. “Bị mất đơn hàng kiểu này thật sự đau như bị đấm thẳng vào bụng”, Scott chia sẻ.

Theo Reuters

>> Mỹ ‘ra đòn’, khách hàng lớn quay lưng: Trung Quốc có nguy cơ mất đơn hàng cực khủng vào tay Hàn Quốc?

Trung Quốc 'cày nát' mỏ lithium 'nghèo': Rác thải ngập núi, giá giảm 90% vẫn khai thác

Mỹ ‘ra đòn’, khách hàng lớn quay lưng: Trung Quốc có nguy cơ mất đơn hàng cực khủng vào tay Hàn Quốc?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/don-hang-sang-trung-quoc-bi-huy-hang-loat-doanh-nghiep-quay-cuong-tim-loi-thoat-chuyen-gi-xay-ra-143132.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Đơn hàng sang Trung Quốc bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp quay cuồng tìm lối thoát: Chuyện gì xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH