Trung Quốc 'cày nát' mỏ lithium 'nghèo': Rác thải ngập núi, giá giảm 90% vẫn khai thác
Bắc Kinh muốn có một nền kinh tế công nghệ cao dựa trên nguồn cung trong nước, ngay cả khi phải trả giá.
Tiếng gầm của máy móc vang vọng khắp các mỏ núi ở Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây – trung tâm khai thác lithium mới nổi của Trung Quốc. Từng đoàn xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chở quặng xám về nhà máy luyện, nơi nó được xử lý thành nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện – biểu tượng của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, phía sau hoạt động khai thác sôi động là thực tế ảm đạm: Rất ít doanh nghiệp ở đây có lãi.

Sau đỉnh giá năm 2022 – thời điểm người lao động đổ về Nghi Xuân, các xưởng gốm địa phương cũng chuyển sang sản xuất kim loại nhẹ nhất thế giới – giá lithium chuẩn đã lao dốc gần 90%. Đợt sụt giảm này buộc các nhà khai thác ở Australia và Chile phải cắt giảm sản lượng để bảo toàn biên lợi nhuận.
Nhưng tại Trung Quốc, hoạt động khai thác vẫn tiếp diễn, phản ánh quyết tâm tự chủ tài nguyên – một mục tiêu ngày càng cấp thiết kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại chính trường và cuộc chiến thương mại toàn cầu nóng trở lại.
Cuộc chơi đắt đỏ vì tự chủ
Nghi Xuân, vùng đất yên bình bao quanh bởi núi non và rừng già, đang trở thành tuyến đầu trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng một nền kinh tế "pháo đài" – giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ phương Tây, tăng cường dựa vào tài nguyên và công nghệ nội địa.
Tự chủ nguồn cung giúp các tập đoàn như CATL – nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới – đảm bảo đầu vào ổn định, đồng thời hỗ trợ kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng ở các khu vực nghèo.

Tuy nhiên, cái giá phải trả không nhỏ. Quặng lithium tại đây chủ yếu là lepidolite – loại khoáng chất phổ biến nhưng có hàm lượng lithium rất thấp. Quá trình tinh luyện lepidolite vừa tốn kém, tiêu tốn năng lượng lớn, lại tạo ra lượng chất thải khổng lồ, một phần có thể độc hại.
“Về kinh tế thì lepidolite không hợp lý chút nào, nhưng nó giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu tự chủ”, Chris Williams, chuyên gia tại Adamas Intelligence nhận định. “Trung Quốc buộc phải biến lepidolite thành lợi thế, dù không phải là nguồn lithium tốt hay rẻ nhất”.
Dù là cường quốc trong lĩnh vực pin và xe điện, Trung Quốc lại không giàu lithium tự nhiên. Trữ lượng trong nước hạn chế khiến Bắc Kinh phải phụ thuộc vào Australia và Chile.
Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, các nước giàu tài nguyên ngày càng lo ngại về quyền sở hữu của Trung Quốc và gia tăng bảo hộ, khiến chiến lược tự chủ càng thêm cấp thiết.
Đây là lý do khiến lepidolite ở Nghi Xuân trở nên hấp dẫn. Trong vài năm qua, các ông lớn như CATL và Gotion High-Tech đã xây dựng nhà máy tại đây, còn chính quyền địa phương tham gia góp vốn vào các liên doanh khai thác và sản xuất pin.
Tuy nhiên, cú sốc giá vào năm 2023 – khi doanh số xe điện chững lại và nguồn cung vượt cầu – đã khiến tình hình thêm khó khăn. Theo CRU Group, chi phí khai thác lepidolite tại Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới, hơn một nửa sản lượng đang hoạt động dưới mức hòa vốn.
Lệnh không lời: “Phải tiếp tục đào”
Bất chấp thua lỗ, doanh nghiệp vẫn buộc phải vận hành. Một Giám đốc mỏ giấu tên cho biết, chính quyền không hỗ trợ tiền mặt nhưng “hướng dẫn” các đơn vị cải tiến hiệu quả và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động.
Với Giang Tây – một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc – lithium là cứu cánh. Thị trưởng Nghi Xuân từng gọi kim loại này là “động cơ tăng trưởng” và khẳng định sản lượng tăng, nhờ công nghệ, đang giúp bù đắp giá bán thấp. Theo Benchmark Mineral Intelligence, sản lượng lepidolite của Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần kể từ 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trước năm 2030.
“Tâm lý chịu lỗ dài hạn để giữ thị phần nguyên liệu thô là điều nổi bật ở doanh nghiệp Trung Quốc”, Adam Webb, chuyên gia tại Benchmark nhận xét.
Tại ngoại ô Nghi Xuân, nhà máy tinh luyện của CATL và Lopal Tech vẫn tiếp nhận hàng trăm xe quặng mỗi ngày. Sau khi nghiền thành cát, lepidolite được xử lý bằng hóa chất, nung nóng và quay ly tâm để tạo ra lithium carbonate dùng cho sản xuất pin. Nhà máy từng phải dừng hoạt động khi giá quặng rơi tự do, nhưng nay đã đạt công suất cao kỷ lục và dự kiến tăng thêm trong tháng tới – bất chấp lợi nhuận èo uột.
Tuy nhiên, bài toán môi trường ngày càng nhức nhối. Do hàm lượng kim loại thấp, việc xử lý lepidolite tạo ra nhiều chất thải hơn các nguồn lithium khác – đặc biệt so với nước muối giàu kim loại.

Năm 2022, cơ quan môi trường phát hiện lượng thallium – kim loại nặng có thể gây chết người – vượt ngưỡng cho phép tại sông Kim Giang. Ít nhất 5 nhà máy trong khu vực bị phát hiện xả thải vượt chuẩn.
Trước áp lực dư luận, chính quyền thành phố đã tăng cường kiểm tra nước ngầm và hệ thống xử lý chất thải, thậm chí kiểm tra hàng tháng. Nhưng cải thiện quy trình xử lý cũng đồng nghĩa với chi phí cao hơn. Tại nhà máy của CATL và Lopal, bãi chứa thải phải phủ kín lớp bạt đen trên diện tích đủ lớn để chứa hàng trăm hồ bơi.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, chính quyền địa phương vẫn ưu tiên duy trì việc làm và nguồn thu. Một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất ban đêm để tận dụng giá điện rẻ hơn.
Mô hình tích hợp toàn chuỗi – từ khai thác đến sản xuất pin – đang được xem là hướng đi tất yếu. BYD đã đi theo con đường này, và ngay cả các hãng phương Tây như Tesla hay GM cũng đang tìm cách kiểm soát nhiều mắt xích hơn.
“CATL có thể chấp nhận thua lỗ ở mỏ vì họ kiếm lợi ở các khâu khác trong chuỗi giá trị”, Webb nhận định.

Dù giá giảm, Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng chiến lược lithium. Bên cạnh Giang Tây, nước này đang phát triển các mỏ đá cứng ở Tân Cương, Tứ Xuyên và khai thác nước muối giàu kim loại tại Thanh Hải. Tháng 1 năm nay, Cục Địa chất Trung Quốc công bố phát hiện thêm hơn 10 triệu tấn tài nguyên lithium trong chiến dịch khảo sát khoáng sản toàn quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ráo riết tìm kiếm mỏ ở châu Phi và thử nghiệm chiết xuất lithium từ alumina – nguyên liệu sản xuất nhôm.

“Đây là thời điểm mang tính sống còn với chiến lược tự chủ lithium của Trung Quốc”, phó giáo sư Marina Zhang (ĐH Công nghệ Sydney) nhận định. “Không chỉ là vấn đề kinh tế, mà là mệnh lệnh chiến lược để bảo vệ chuỗi cung ứng năng lượng sạch quốc gia”.
>> Trung Quốc cam kết chi gần 13.000 tỷ đồng để 'thay ghế' Mỹ tại WHO