Khoản đầu tư 'hòa vốn' gần 1.200 tỷ của VIX tại Eximbank (EIB) có gì đặc biệt?
Đến cuối tháng 6/2024, Eximbank (EIB) vẫn là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục tự doanh cổ phiếu của Chứng khoán VIX. Lý do gì khiến VIX vẫn quyết định duy trì khoản đầu tư này sau hai năm chỉ hòa vốn?
Khoản đầu tư hòa vốn của VIX...
Hồi đầu tháng 7, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã EIB - HoSE) công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn, trong đó CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX) nắm 4,9%. Chỉ hơn một tháng sau, Gelex đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank lên 10% (tương ứng 174,6 triệu cổ phiếu) sau khi mua thêm 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB.
Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại Eximbank tại thời điểm 1/7/2024 |
Tại thời điểm 1/7/2024, CTCP Chứng khoán VIX (sàn HoSE) nắm hơn 62,3 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,58% vốn). Con số này tương đương ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm 2023 của VIX, với giá gốc đầu tư 1.179 tỷ đồng và giá hợp lý 1.144 tỷ đồng (EIB khi đó có giá 18.350 đồng/cp).
Kết phiên 28/8, cổ phiếu EIB có giá 18.700 đồng, không thay đổi nhiều kể từ cuối tháng 9/2023. Đáng nói, mã đã duy trì mức giá quanh 18.000 đồng kể từ cuối năm 2022 đến hiện tại.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, EIB là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục tự doanh cổ phiếu của Chứng khoán VIX, với giá gốc và giá hợp lý lần lượt là 840 tỷ và 838,5 tỷ đồng. Khi đó, EIB có giá 19.740 đồng/cp, tương ứng VIX nắm gần 42,5 triệu cổ phiếu.
Cần nhấn mạnh, thời điểm trước năm 2022, EIB không có mặt trong danh mục đầu tư tự doanh của VIX. Nói cách khác, công ty chứng khoán này chỉ mới hiện diện tại Eximbank trong khoảng hai năm trở lại đây, đặc biệt từ khi xung đột quyền lực tại ngân hàng Eximbank dần đi đến hồi kết, cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và nhóm Thành Công rục rịch thoái vốn EIB hồi nửa cuối năm 2022.
Diễn biến cổ phiếu EIB từ năm 2022 tới nay |
Đáng nói ở chỗ, sau khoảng hai năm, khoản đầu tư nghìn tỷ của VIX vào cổ phiếu EIB vẫn hòa vốn. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VIX, chiếm 1/3 danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết và gần 20% giá trị hợp lý các khoản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tính đến cuối tháng 6/2024.
Triển vọng của Eximbank
Eximbank từng là nhà băng hàng đầu tại Việt Nam song đã chứng kiến sự suy giảm tài chính đáng kể từ năm 2011, chạm đáy kinh doanh năm 2015 khi lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 40 tỷ đồng.
Gần đây, ngân hàng ghi nhận đà tăng rất mạnh về số lượng cổ đông song chất lượng chưa cải thiện tương xứng. Sự khác biệt bắt đầu xuất hiện khi Gelex trở thành cổ đông lớn của Eximbank. Thay đổi đáng chú ý khác là việc nhà băng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT tại ĐHCĐ thường niên 2024. Ông Nam đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (mã BCG) để tập trung cho Eximbank.
Về phần mình, Gelex, với gần 50 công ty con và các thương hiệu nổi bật như Viglacera, Cadivi và Thibidi, hiện có vốn điều lệ 8.515 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.300 tỷ và tổng tài sản hơn 52.400 tỷ tính đến cuối tháng 6/2024.
Trong khi đó, Bamboo Capital, tập đoàn đa ngành với hơn 60 công ty thành viên (tập trung vào năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng và tài chính), hiện đang hợp tác với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Tính đến tháng 6/2024, Bamboo Capital có vốn chủ sở hữu 21.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 45.300 tỷ.
BCG Energy, thành viên thuộc Bamboo Capital, cũng là một trong ba doanh nghiệp năng lượng hàng đầu tại Việt Nam, triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, điện rác và nghiên cứu công nghệ điện khí LNG và dự trữ điện.
Như vậy, sự tham gia của Gelex và Bamboo Capital (hệ sinh thái gồm khoảng 110 công ty con) có thể mở ra cơ hội mới giúp Eximbank phục hồi và tìm lại ánh hào quang. Cổ phiếu EIB do đó cũng có tiềm năng hơn, giúp Chứng khoán VIX sớm ngày hái quả
Cổ phiếu HNG, HBC tăng mạnh trước ngày hủy niêm yết, HAG lại có phiên kịch trần
Hơn 26.000 gốc sầu riêng tại Lào sắp thu hoạch, bầu Đức lãi 4-12 triệu đồng/gốc