Đơn vị thi công nhiều dự án trọng điểm từ Bắc tới Nam bất ngờ bán tài sản thoát lỗ
Vimeco góp mặt trong nhiều dự án có quy mô mang tầm cỡ quốc gia như tòa nhà Quốc hội, bảo tàng Hà Nội…
CTCP Vimeco được thành lập ngày 24/3/1997, là doanh nghiệp cổ phần thuộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex.
Theo thông tin từ website doanh nghiệp, đơn vị này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chính: thi công xây lắp công trình; đầu tư kinh doanh bất động sản; chế tạo kết cấu thép và các sản phẩm cơ khí; sản xuất và cung cấp bê tông, đá xây dựng…
Trong nhiều năm hoạt động, Vimeco đã góp mặt trong nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn tại Việt Nam như: thi công dự án Nhà Quốc hội, thi công dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, thi công hạ tầng dự án Danko City giai đoạn 1 và 3, thi công hạ tầng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, thi công dự án CT4 Vimeco…
Dù đã có chỗ đứng nhất định trong ngành, nhưng trong quý 3/2023, CTCP Vimeco bất ngờ tiết lộ không thể sống nổi bằng hoạt động kinh doanh, phải bán tài sản để thoát lỗ.
Trong báo cáo tài chính quý 3/2023 của Vimeco cho thấy doanh thu thuần đạt 254 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, do giá vốn không được cải thiện, lợi nhuận gộp gần như giữ nguyên so với cùng kỳ, chỉ đạt 20 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp nhỏ này không đủ để trang trải cho các chi phí hoạt động, như: chi phí tài chính 12 tỷ đồng, tăng 80%; chi phí quản lý 12 tỷ đồng, giảm 11%, vì vậy Vimeco lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 3,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1,3 tỷ đồng).
Phải nhờ tới việc thanh lý tài sản, tạo ra lợi nhuận khác 7,6 tỷ đồng, doanh nghiệp này mới có lãi trước thuế 3,9 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lãi còn 3 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 0,114 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, việc phải gấp rút bán tài sản để thoát lỗ là phương án duy nhất doanh nghiệp này có thể lựa chọn để tự cứu lấy mình. Trước khi gồng mình thoát lỗ, CTCP Vimeco đã gặp phải không ít tai tiếng trên thương trường.
Chủ đầu tư dính lùm xùm tung giá bán chênh 350 - 500 triệu đồng/căn hộ
Thời điểm giữa năm 2015, các sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội đã rao bán rầm rộ các suất ngoại giao tại dự án CT4 Vimeco do CTCP Vimeco làm chủ đầu tư.
Khi được rao bán, dự án chưa hoàn thành xong phần móng nên chỉ được phép huy động vốn tối đa là 20% số lượng căn hộ, tương ứng 80 căn. Giá chào bán trong hợp đồng góp vốn 24 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT, 2% phí bảo trì. Giá bán các suất ngoại giao chênh 350-500 triệu đồng/căn hộ.
Nếu cộng cả tiền chênh, giá bán dự án CT4 Vimeco sẽ được xác lập mức mới 27-29 triệu đồng/m2. Thêm nữa, nếu cộng cả 10% thuế VAT, 2% phí bảo trì thì giá bán khoảng 31-33 triệu đồng/m2. Mức giá dự án này được cho là không hề thấp khi thời điểm bàn giao nhà kéo dài đến năm 2018, trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư lại rất yếu.
Theo quy định, khi chủ đầu tư huy động vốn tối đa 20% số lượng căn hộ, CTCP Vimeco phải gửi danh sách số căn hộ được bán báo cáo với Sở Xây dựng Hà Nội và phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà suốt nhiều tháng kể từ thời điểm huy động vốn, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc báo cáo này.
Tại đại hội cổ đông thường niên của CTCP Vimeco năm 2015, giám đốc công ty cho biết doanh nghiệp này đã thực hiện việc huy động vốn tại dự án chung cư CT4 Vimeco và ưu tiên cho những cổ đông hiện hữu của công ty được tham gia góp vốn.
Trong đó, phía Tổng CTCP Vinaconex chiếm 51% cổ phần, một cổ đông khác là Công ty An Quý Hưng chiếm 13,5%. Như vậy, nhiều khả năng các suất ngoại giao góp vốn đều là cổ đông nội bộ trong CTCP Vimeco. Thực tế đã chứng minh, bản danh sách những cổ đông tham gia góp vốn vào dự án có rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Tổng CTCP Vinaconex như ông Thân Thế Hà, ông Lê Doanh Yên, ông Dương Văn Mậu giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Vinaconex.
Chung cư CT4 Vimeco: Vừa bàn giao đã xuống cấp
Dự án CT4 Vimeco do Công ty cổ phần VIMECO làm chủ đầu. Dự án tọa lạc tại Lô H1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội với 39 tầng, gồm 400 căn hộ. Công trình khởi công vào tháng 11/2014 và đã bàn giao từ giữa năm 2017.
Theo phán ảnh của người dân, sau khi chuyển về sinh sống tại chung cư CT4 Vimeco, nhiều hộ gia đình đã phải thường xuyên đối mặt với tình trạng nhà vệ sinh tắc nghẽn, nguồn nước bẩn. Hệ thống trần, tường xuất hiện nhiều vết nứt. Nhiều căn hộ có hiện tượng thấm dột, lát sàn cong vênh, nền nhà đọng nước…
Không chỉ lo lắng về chất lượng tòa nhà, cuối tháng 4/2018, tại chung cư CT4 Vimeco còn xảy ra sự cố nghiêm trọng. Một tấm đá ốp tường phía bên ngoài tòa nhà rơi xuống tầng 1, tấm đá xuyên qua lớp kính phía ngoài sảnh khiến miếng kính vỡ tan. Rất may, sự cố trên xảy ra không có thiệt hại về người nhưng người dân cảm thấy không được an toàn khi sống tại đây. Nhiều câu hỏi liên quan đến việc thi công ẩu hoặc vật liệu xây dựng kém chất lượng đang được đặt ra.
Khu đô thị gần 65ha tại Quảng Ninh bị dính án thu hồi
Dự án khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh do CTCP Vimeco làm chủ đầu tư, địa điểm xây dựng tại TP Hạ Long, có quy mô 64,8ha, đã bị tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi vào đầu năm 2013.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1143/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của CTCP Vimeco đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh, phường Hòa Khánh, TP.Hạ Long để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hạ Long quản lý.
Đến ngày 30/12/2012 chủ đầu tư dự án Cao Xanh – Hà Khánh là CTCP Vimeco đã nhận được quyết định này. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đến 31/1/2013 CTCP Vimeco, chủ đầu tư dự án mới ra văn bản số 131 công bố thông tin bất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này, sau khi có quyết định thu hồi dự án của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo văn bản này, CTCP Vimeco đang khẩn trương phối hợp cùng với Sở, Ban ngành có liên quan để bàn giao và xác định giá trị còn lại của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản đã đầu tư trên đất cũng như các công việc khác có liên quan đến quyết định nêu trên.
Dự án Cao Xanh Hà Khánh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 387 tỷ đồng. Đây là dự án lấn biển tạo mặt bằng xây dựng, cùng với các dự án đô thị liền kề tạo thành một chuỗi các đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hệ thống cấp điện, nước được lấy từ mạng cấp điện nước của thành phố đảm bảo chất lượng và sử dụng ổn định lâu dài. Dự án thích hợp cho việc xây dựng nhà nghỉ, khách sạn.
Trong đó, công ty Vimeco có diện tích thương phẩm để kinh doanh là 265.650m2 với tổng số 1.146 lô nhà ở, gồm 279 biệt thự 375m2, 665 biệt thự 200m2 và 202 liền kề có diện tích 90m2.
Những điểm 'gợn' trong ‘bức tranh’ tài chính của chủ đầu tư hai dự án vị trí đắc địa quận Cầu Giấy
Liên danh Vinaconex (VCG) trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng tại TP. HCM
Vinaconex, Đèo Cả, CII tỏa sáng sau 9 tháng, triển vọng nhóm hạ tầng năm 2025 ra sao?