Lợi suất trái phiếu leo dốc và đồng USD mạnh hơn trong những ngày qua đã dấy lên nỗi lo sợ về lãi suất và suy thoái sắp diễn ra.
Khủng hoảng tại châu Âu
Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với USD và giá trái phiếu chính phủ Anh ghi nhận sự sụt giảm theo ngày lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào hôm nay (26/9).
Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực do nhà đầu tư bi quan về kinh tế Anh sau khi chính phủ nước này đề xuất vay thêm hàng trăm tỷ bảng Anh để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế và hóa đơn năng lượng.
Đồng bảng Anh có thời điểm giảm gần 5% xuống 1,0327 USD, phá vỡ mức thấp nhất năm 1985. Diễn biến càng trở nên trầm trọng hơn do thanh khoản giảm trong phiên châu Á nhưng ngay cả sau khi quay trở lại mức 1,05 USD, đồng tiền này vẫn giảm khoảng 7% chỉ trong hai phiên.
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh, Kwasi Kwarteng đã công bố trước Quốc hội chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 200 tỷ bảng (225 tỷ USD) trong nỗ lực của Thủ tướng Liz Truss nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt "chu kỳ đình trệ."
Với kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Kwarteng, chính phủ sẽ cần vay thêm 72 tỷ bảng Anh (79 tỷ USD) trong vòng 6 tháng tới.
Bên cạnh đó, điều khiến nhà đầu tư quan ngại là kế hoạch cắt giảm thuế theo đề xuất của Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng có nguy cơ khiến nợ công của Anh không bền vững.
Mỗi năm, ngân sách nước này sẽ giảm khoảng 45 tỷ bảng nguồn thu thuế cá nhân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ nhiệt đôi chút và lợi suất trái phiếu của những nước khác cũng giảm. Việc Chính phủ Anh đưa ra gói cắt giảm thuế trên diện rộng cũng gây xáo trộn trên thị trường trái phiếu và nhấn chìm đồng Bảng Anh.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 5 năm (vận động ngược chiều với giá trái phiếu) đã tăng 50 điểm cơ bản trong những ngày vừa qua, lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,06% - tức là tăng hơn 15 lần so với dao động bình thường.
Đây cũng là mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ năm 1991.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 33 điểm cơ bản lên 3,83%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 và cao hơn 1,78 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn tương đương.
Đây là mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa hai nước lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giành được vị thế độc lập khỏi chính phủ Anh vào năm 1997.
Lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn trực tiếp làm tăng chi phí đi vay của chính phủ và gián tiếp làm tăng lãi suất đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Còn niềm tin vào đồng bảng Anh?
Chiến lược gia Michael Every của Rabobank tại Singapore cho biết: "Bạn phải mua USD như một sự mua bán rủi ro. Không còn nơi nào khác để đi".
Sự sụp đổ đã khiến đồng USD tăng mạnh trên diện rộng và đạt mức cao nhất trong nhiều năm đối với loạt đồng tiền chủ chốt như đồng Aussie , Kiwi, nhân dân tệ và đạt mức cao nhất 20 năm mới là 0,9528 USD/euro.
Lo lắng ngày càng lớn khi lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như đến tiền tệ và cổ phiếu của châu Á, với các nhà xuất khẩu từ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đến các công ty khai thác của Úc đều bị ảnh hưởng nặng nề.
“Trái phiếu châu Âu đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng thị trường trái phiếu Anh vẫn là một thảm họa”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nhận định. “Trong khi đó, những chàng trai đầu tư cổ phiếu rõ ràng vẫn rất bối rối và đồng USD lại ngày càng tăng”.
Giới quan sát dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất lên trên 5% vào tháng 8/2023, từ mức 2,25% hiện nay và chỉ 0,1% vào năm 2021.
Ngân hàng Citi (Mỹ) dự đoán các khoản vay của chính phủ có thể lên đến 218 tỷ bảng Anh trong năm tài khoán này và 229 tỷ bảng Anh vào năm 2023-2024.
Theo ngân hàng Đức Deutsche Bank, BoE cần tăng lãi suất khẩn cấp ngay trong tuần tới để khôi phục uy tín.
Shreyas Gopal, nhà chiến lược tiền tệ tại Deutsche Bank, đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ tương tự những năm 70 của thế kỷ trước, khi Anh phải cần đến một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ông Gopal cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư nếu tiếp tục bị xói mòn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một số nhà bình luận thậm chí đã so sánh hiệu suất của đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ nước này như đồng tiền và trái phiếu của các thị trường mới nổi.
Vương quốc Anh đang thiết lập cơ chế neo giá năng lượng mà sẽ khó duy trì về mặt tài chính và khó gỡ bỏ về mặt chính trị. Giá khí đốt tăng cao hơn nữa sẽ dẫn đến lãi suất tại Anh cũng tăng cao hơn.
Với mức nợ cao của Anh, nền kinh tế đứng trước bờ vực rơi vào suy thoái sâu. Đồng bảng Anh có thể giảm sâu hơn khi nguồn tài chính nước ngoài cạn kiệt.
Việc tăng loạt lãi suất của NHNN gần đây có ý nghĩa gì đối với Việt Nam?
Hoạt động tích cực, hiệu quả của Thủ tướng khắc họa rõ nét hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở
Phố cà phê đường tàu Hà Nội lại đông đúc, khách Tây trèo rào để chụp ảnh