Đồng bằng sông Hồng được quy hoạch: Tách đôi vùng, nâng tầm cạnh tranh quốc tế Thủ đô Hà Nội

05-05-2024 22:27|Chi Chi

Theo quy hoạch đồng bằng sông Hồng, các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng sẽ được tách đôi thành 2 tiểu vùng là phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng sẽ được chia làm 2 tiểu vùng: phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng. Cùng với đó là 1 vùng động lực quốc gia, 4 cực tăng trưởng và 5 hành lang kinh tế.

Tiểu vùng phía Bắc sông Hồng sẽ được chia làm 7 tỉnh, thành là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc.

Với tiểu vùng phía Bắc sông Hồng, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị tăng cao, đặc biệt là công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot. Phát triển dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Quy hoạch Đồng bằng sông Hồng với 2 tiểu vùng. Ảnh minh họa

Quy hoạch Đồng bằng sông Hồng với 2 tiểu vùng. Ảnh minh họa

Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an ninh và trật tự xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.

Tiểu vùng phía Nam gồm 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Tiểu vùng này tập trung phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế. Phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số lĩnh vực dịch vụ như vận tải, kho bãi và nhất là dịch vụ du lịch kết nối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng bờ và các nguồn lợi thủy, hải sản; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển.

Về định hướng phát triển vùng động lực, phát triển vùng động lực bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng vùng.

Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; hình thành trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp điện tử, tin học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

>> Chuyên gia Mỹ bi quan về kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia: Lo ngại ảnh hưởng đến ĐBSCL, Thủ đô Phnom Penh

Hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước. Ảnh minh họa

Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước. Ảnh minh họa

Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; là cửa ngõ của vùng gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; phát triển các ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, kinh tế khoa học công nghệ biển và các ngành kinh tế biển mới.

Hình thành trục phát triển gắn với trục sông Hồng - là trục trung tâm với các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch văn hóa gắn với trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô Hà Nội, các đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng.

Quy hoạch khu vực đồng bằng sông Hồng với 4 cực tăng trưởng. Trong đó, TP. Hà Nội dẫn dắt quá trình phát triển của vùng và cả nước; TP. Hải Phòng tiên phong trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển; tỉnh Quảng Ninh là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng với các ngành kinh tế dịch vụ, du lịch, công nghiệp; tỉnh Bắc Ninh là địa phương kết nối trên tuyến hành lang công nghiệp Quốc lộ 18.

5 hành lang kinh tế được quy hoạch gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình), hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội.

>> Thành phố nhỏ nhất Việt Nam lọt 'mắt xanh' của 'ông lớn' Sun Group: Từ vùng biển dân dã nay thành điểm đến quy mô 'vạn người mê'

Quy hoạch sân bay Nội Bài đến năm 2030 thay đổi ra sao?

Huyện có dân số và diện tích lớn nhất Hải Phòng sắp lên thành phố, sẽ quy hoạch đô thị mới hơn 26.000ha

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dong-bang-song-hong-duoc-quy-hoach-tach-doi-vung-nang-tam-canh-tranh-quoc-te-thu-do-ha-noi-d121945.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đồng bằng sông Hồng được quy hoạch: Tách đôi vùng, nâng tầm cạnh tranh quốc tế Thủ đô Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH