Đồng Nai - tỉnh sở hữu năng lực siêu kết nối sẽ phát triển hạ tầng giao thông thế nào?
Địa phương này hiện có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300km. Trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai với chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh khoảng 220km. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy.
Trong quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, trong đó có tuyến sông Đồng Nai, tỉnh hướng đến mục tiêu đảm bảo có năng lực liên kết - nối kết liên vùng một cách tối đa và tối ưu.
Đồng Nai sở hữu lợi thế vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy
Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất của cả nước, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Đồng thời, tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế cũng chiếm tỷ lệ cao.
Đây chính là lợi thế rất lớn của Đồng Nai trong phát triển giao thông đường thủy trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là trên tuyến sông Đồng Nai.
Để phục vụ sản xuất, nhu cầu vận chuyển nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú, đây là nguồn hàng rất lớn cần vận chuyển bằng đường thủy.
Bên cạnh vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, Đồng Nai cũng xác định việc phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với ngành vận tải hành khách bằng đường thủy.
Ngoài chi phí đầu tư thấp, các tuyến vận tải đường thủy còn có lợi thế cạnh tranh hơn so với đường bộ là có thể khai thác lâu dài nhưng ít phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
Đặc biệt, sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được. Không chỉ là dòng sông mang trên mình các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, sông Đồng Nai còn mang lại giá trị lớn về giao thông. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh rất hiếm khi xảy ra lũ và lũ cũng không lớn.
Quy hoạch đồng bộ để phát huy thế mạnh
Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, song cho đến nay, việc phát triển giao thông đường thuỷ bao gồm trên tuyến sông Đồng Nai là chưa xứng tầm.
Trên tuyến sông Đồng Nai hiện nay, giao thông thủy chỉ mới phát triển ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, trong đó chủ yếu phục vụ việc vận chuyển các loại vật liệu xây dựng. Trong khi đó, dù trải dài từ huyện Tân Phú đến huyện Nhơn Trạch nhưng vận tải hành khách trên sông Đồng Nai lại gần như chưa được khai thác.
Đồng Nai hiện có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, sự kết nối về giao thông đường thủy, đặc biệt là trên lĩnh vực phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương trên chưa có. Cụ thể, mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến buýt đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác.
Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng, đá, đất san lấp từ Đồng Nai đi các tỉnh, chưa có giao thông thủy phục vụ vận chuyển hành khách.
Theo Sở Giao thông Vận tải, tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm ước đạt 3,3 triệu lượt khách/năm, bằng khoảng 6% so với sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ.
Từ thực tế đó, hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Giao thông phải có quy hoạch lại đầy đủ để khai thác các tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy, trong đó có tuyến sông Đồng Nai.
Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, liên danh đơn vị tư vấn đã xác định việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy là một trong những lĩnh vực quan trọng trong chiến lược xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phát triển “giao thông mở tối đa” với mạng lưới giao thông thủy đảm bảo cho tỉnh có năng lực liên kết - nối kết liên vùng một cách tối đa và tối ưu. Đặc biệt là kết nối trực tiếp đi 2 trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và TP.Cần Thơ. Cùng với đó, kết hợp giao thông thủy và khai thác du lịch nhất là các loại hình du lịch đường sông, du lịch sinh thái, sông nước và cảnh quan.
17 tuyến xe buýt điện ‘gom’ khách cho metro số 1 sẽ hoạt động từ ngày 20/12
Thông tin mới nhất về việc gỡ vướng 800 tỷ thuê đất cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn