Dòng sông 'bao quanh núi' chảy qua Việt Nam rồi lại ngược dòng về Trung Quốc: Nước sông ánh xanh ngọc bích, là 'nghệ nhân' tạo ra thác nước lớn thứ 4 thế giới

26-02-2024 16:19|Hải Yến

Là một trong những con sông chảy vào vùng đất biên cương Tổ quốc, dòng sông này hiền hòa uốn lượn qua các dãy núi đá vôi trập trùng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Sông Quây Sơn (theo nghĩa Hán Việt là dòng sông chảy bao quanh núi) hay còn gọi là sông Quế Sơn hay theo tiếng Trung Quốc là sông Quy Xuân. Dòng sông bắt nguồn từ các khu suối tại huyện Tĩnh Tây và chảy qua địa bàn của khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đó, sông chia thành hai nhánh chảy vào địa phận Cao Bằng của Việt Nam tại khu vực cột mốc biên giới số 784 gần cửa khẩu Pò Peo, bản Nà Rào, xã Ngọc Côn (Cao Bằng).

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) với hai nhánh chảy vào Việt Nam hợp lưu nhau tại xã Ngọc Khê (Trùng Khánh, Cao Bằng)

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) với hai nhánh chảy vào Việt Nam hợp lưu nhau tại xã Ngọc Khê (Trùng Khánh, Cao Bằng)

Trên địa phận Việt Nam, sông Quây Sơn bắt đầu chảy theo hướng Nam tới xã Đỉnh Phong sau đó theo hướng Đông Bắc chảy tới xã Đàm Thủy rồi lại chuyển hướng Đông Nam tới thác Bản Giốc. Tại đây, Quây Sơn trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dòng chảy đi qua nhiều địa hình lúc nông nước chảy ào ào qua đập tràn đá, lúc sâu mặt nước lại tĩnh lặng như ngừng trôi. Đứng ở vách núi cao trên đường mòn đi vào khu bảo tồn vượn Cao Vít tại xã Ngọc Côn có thể bao quát một vùng rộng lớn nơi sông Quây Sơn bắt đầu vào đất Việt.

Dòng nước sông Quây Sơn có màu xanh ngọc bích uốn lượn trải dài qua nhiều khu vực, quanh co giữa một bên là núi một bên là ruộng lúa, mỗi lần hạ độ cao lại có một ghềnh nhỏ, để lưu thông qua sông. Ở một số đoạn, người dân đi bộ qua sông bằng cách nhảy qua những tảng đá ở đoạn ghềnh nhỏ hoặc đi bằng bè mảng chống bằng sào để qua sông.

go-and-share-quay-son-thac-ban-gioc-9.png
Mùa lúa chín bên sông Quây Sơn

Đôi chỗ đường giao thông chính băng qua sông bằng cầu treo hoặc những cây cầu nhỏ bắc ngang. Mỗi nơi dòng sông đi qua đều mang nét đẹp riêng. Nơi thì sông nép mình dưới những rặng vầu um tùm xanh mướt, nơi lại ôm ấp những ngọn núi đá vôi để bóng núi in xuống mặt nước sơn thủy hữu tình. Nơi khác sông lại uốn lượn vắt ngang những thửa ruộng như một dải lụa hay xuyên qua rừng cây sau sau vàng đỏ trong mùa thu làm ai đi ngang cũng phải ngẩn ngơ trong chốc lát.

Dọc theo dòng Quây Sơn là rất nhiều làng bản với bề dày về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó là những tuyệt tác thiên nhiên kỳ thú như động Ngườm Ngao và nổi tiếng nhất phải kể đến thác Bản Giốc. Thác Bản Giốc nằm ở Đàm Thủy, Cao Bằng là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

>> Dòng thác của Việt Nam lọt top đường biên giới tự nhiên đẹp nhất thế giới, là nơi đặt cột mốc đôi ngăn cách 2 nước

Đây cũng là điểm cuối của sông Quây Sơn, nơi dòng chảy không còn nằm hoàn toàn trên đất Việt và đường phân định biên giới hai nước Việt - Trung được xác định ở giữa sông.

Bắt đầu từ đoạn này tới huyện Hạ Lang sông được coi là biên giới tự nhiên giữa hai nước. Thác Bản Giốc gồm hai phần, ở Việt Nam được gọi chung là thác Bản Giốc, ở Trung Quốc được chia làm hai phần và gọi là cặp thác Đức Thiên - Bản Ước có chiều rộng là 208m.

Thác Bản Giốc. Ảnh: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam

Thác Bản Giốc. Ảnh: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam

Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Do vị trí địa lý nên thác có mùa khô và mùa mưa được chia rõ rệt. Mùa khô từ tháng 9 trở đi là lúc thác cạn nhất, ở thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 khi nước ở thác mới chớm ít dần đi cũng là lúc mùa lúa chín cùng với một số cây tự nhiên quanh thác đổi màu tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo.

Cách thác không xa là Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - một trong những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên miền đất biên cương phía Bắc của Tổ Quốc, hay động Ngườm Ngao như một mê cung kỳ diệu khiến du khách quên lối về.

Đi dọc theo dòng sông còn có nhiều địa điểm ngắm cảnh để du khách chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt vời của sông, nước, mây, trời.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Ảnh: Flickr

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Ảnh: Flickr

Đến Trùng Khánh, du khách có thể chọn cho mình một nhà hàng, khách sạn phù hợp hoặc lựa chọn sử dụng các dịch vụ tốt nhất tại các khu resort theo sở thích.

Các homestay, farmstay của người dân bản địa bên bờ sông cũng là gợi ý thú vị cho kỳ nghỉ dành cho du khách. Không chỉ vậy, một số khúc sông Quây Sơn còn là nơi trải nghiệm môn thể thao chèo thuyền kayak hoặc ván sup của các bạn trẻ. Một số homestay còn cung cấp thêm dịch vụ cho thuê xe đạp và ca-nô trên sông phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của du khách.

Điểm cuối dòng sông này chảy trên lãnh thổ Việt Nam là tại Cột Mốc số 845, thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang.

Cột Mốc số 845

Cột Mốc số 845

Với màu xanh ngọc bích hay màu lam ngọc đặc trưng tuyệt đẹp, dòng Quây Sơn hiền hòa đã trở thành một đại diện cho vẻ đẹp bình dị miền sơn cước. Sông Quây Sơn và thác Bản Giốc là những điểm đến đặc biệt hấp dẫn trong bản đồ du lịch của tỉnh Cao Bằng, thu hút ngày càng đông đảo du khách.

>> Con sông thiêng dài 113km ở tỉnh biên ải phía Bắc, là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến tướng lừng danh của Việt Nam

Dòng sông dài 82km ở phía bắc Việt Nam được ví như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần

Dòng sông dài 4.100km có diện tích lưu vực gấp 9 lần lãnh thổ Việt Nam, nằm ở ranh giới của 2 quốc gia

Dòng sông dài hơn 40km cắt đôi khu rừng 2.000km2 của Việt Nam được xếp loại quý hiếm trên thế giới

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dong-song-bao-quanh-nui-chay-qua-viet-nam-roi-lai-nguoc-dong-ve-trung-quoc-nuoc-song-anh-xanh-ngoc-bich-la-nghe-nhan-tao-ra-thac-nuoc-lon-thu-4-the-gioi-d116813.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dòng sông 'bao quanh núi' chảy qua Việt Nam rồi lại ngược dòng về Trung Quốc: Nước sông ánh xanh ngọc bích, là 'nghệ nhân' tạo ra thác nước lớn thứ 4 thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH