Dòng sông duy nhất của Việt Nam vắt ngang qua 2 di sản văn hoá nhân loại, là một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới
Dòng sông bắt nguồn từ đại ngàn Tây Nguyên trải ngang qua theo địa hình của đất nước rồi đổ ra biển Đông.
Sông Thu Bồn chủ yếu chảy qua đất Quảng Nam bồng bềnh lên xuống như dải lụa đang bay lượn. Thượng nguồn sông Thu Bồn từ trên dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum), kéo dài chừng 200km tới Cửa Đại rồi trôi ra biển Đông. Khi về gần tới Cửa Đại sông Thu Bồn còn chia thêm các nhánh tạo nên những con sông Trường Giang, Cổ Cỏ, Sông Hoài... Câu hò xứ Quảng xưa luôn cất lên lời ca:
"Quảng Nam có lụa Phú Bông
Có khoai Trà Đóa, có sông Thu Bồn".
Con sông nối liền những di sản
Sông bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2.598m, ban đầu Thu Bồn chỉ là dòng sông nhỏ âm thầm chảy qua các ghềnh đá cheo leo trên vùng núi phía tây nam của tỉnh Quảng Nam.
Nhờ tăng thêm lưu lượng từ sông Tiên, sông Tranh trên địa hạt Trà My và Tiên Phước, sông Thu Bồn vượt qua bao đồi núi đưa phù sa bồi đắp cho vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Tại đây, Thu Bồn hội ngộ cùng sông Vu Gia, trải phù sa ra khắp vùng đất Điện Bàn theo hai hướng: hướng bắc vẫn là hướng chính với tên Thu Bồn (có nơi còn gọi là sông Chợ Củi), hướng nam nhánh nhỏ hơn là sông Bà Rén. Gần đến biển, Thu Bồn và Bà Rén gặp lại nhau để hoà với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An rồi đổ ra biển Cửa Đại.
Trước khi đổ về biển lớn hòa mình vào đại dương, sông Thu Bồn không những bồi đắp phù sa màu mỡ cho mảnh đất xứ Quảng mà còn tạo dựng, để lại biết bao nhiêu dấu ấn văn hóa rực rỡ. Trong đó, phải kể đến Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An.
Những thuở hoang sơ, khi người Chăm sinh sống ở đây đã khám ra đất đỏ trên sông ra sao. Họ đã dựng lên một đế chế Chăm và ghi dấu ấn lại khu đế vương Mỹ Sơn (xây dựng từ thế kỷ IV-XIII). Khu di tích lớn này nằm trong khu vực Chăm Amavati gồm các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Nhưng dòng sông Thu Bồn chủ yếu chảy qua Quảng Nam nên Di sản Mỹ Sơn và phế tích kinh thành Trà Kiệu (thời kỳ Lâm Ấp) nằm bên sông thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Đó là thánh địa của vương quốc Chăm Amavati một thuở. Trong ca dao Quảng Nam vẫn còn ghi: “Đêm nằm nghe trống Mỹ Sơn/ Nghe chuông Trà Kiệu, nghe đờn Phú Bông”.
Kiến trúc đất đỏ Mỹ Sơn trở thành di sản thế giới và là một dấu ấn văn hóa độc đáo ở nước ta. Những điệu múa của vũ nữ Apsara dịu dàng bên dòng sông Thu Bồn. Hàng ngàn bản điêu khắc vũ nữ trên tháp Chăm sống động làm say đắm lòng người. Giai điệu Apsara Vũ nữ Chăm luôn vang lên bao đời nay. Hoang dại và đằm sâu: “Ngàn năm trong kiếp đá/ Apsara/ Bàn tay người vũ nữ nét thiên thần/ Trên môi cười diệu nghệ/ Hồn mở ra vóc dáng hình hài/ Phiêu lãng đường trần, mãi rong chơi…”
Dòng sông cuộn sóng Thu Bồn còn tồn tại những dấu tích khác ở Quảng Nam như tháp hình bát giác Bằng An (Điện Bàn), tháp Chiên Đàn (Tam Kỳ) và tháp Khương Mỹ (Núi Thành). Đặc biệt, làng gốm Thanh Hà (Hội An) ở ngay bên sông Thu Bồn là nơi bến cảng của người Chăm xưa giao lưu buôn bán với nước ngoài.
Phố cổ Hội An được xây dựng theo kiến trúc cổ mang đậm yếu tố Chăm kết hợp với sắc thái Trung Hoa và Nhật Bản. Toàn bộ gạch ngói, tường sân và mái âm dương của các ngôi nhà hay đền đài đều được người Chăm làm từ đất sét đỏ bên sông Thu Bồn. Đó là những dẫy nhà phố cổ tồn tại hơn 300 được bảo tồn gìn giữ nguyên bản. Người dân thành Quảng luôn tự hào về thành phố cổ này: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai”, hoặc thơ rằng: “Hội An đất hẹp người đông/ Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”.
Đặc biệt, lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra mùa xuân hàng năm (12/2 âm lịch) trên sông đậm yếu tố văn hóa Chăm và tâm linh người Việt. Từ xa xưa người Chăm coi dòng sông Thu Bồn là nguồn sữa mẹ, hiện thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Silva (thánh tổ Chăm). Thậm chí họ còn coi sông Thu Bồn là dòng sông Hằng (Ấn Độ) thứ hai theo công giáo Hin đu.
Nguồn nuôi sống con người xứ Quảng
Ngày thường, dòng sông Thu Bồn khá hiền hòa và đằm thắm. Dù vậy, nhịp sống trên sông không kém phần sôi động. Sông cung cấp nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú cho người dân xứ Quảng, là nguồn sống của nhiều gia đình ngư dân suốt chiều dọc của dòng chảy. Mùa lũ, Thu Bồn không đến mức quá hung dữ. Người nông dân thường trông chờ những dòng nước lớn từ thượng nguồn đổ về, mang theo lượng phù sa lớn giúp cây cối, hoa màu ở các triền bãi hai bên sông được tốt tươi.
Sông Thu Bồn trải dài hàng trăm cây số, mỗi nơi nó đi qua đã để lại không biết bao nhiêu dấu ấn, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giúp bản sắc văn hóa hai bên bờ sông vô cùng độc đáo phải kể đến như: phố cổ Hội An, làng rau Trà Quế, làng gốm Cổ Thanh Hà, Cửa Đại…
Sông mang về phù sa cho những cánh đồng tươi tốt, mang về tôm cá đầy ắp cho những bác ngư dân, mang theo những ước mơ của người dân xứ Quảng để đưa những sản phẩm thủ công của quê mình đến với thế giới như làng dệt vải Tằm Tang, làng gốm Thanh Hà thông qua cảng biển Cửa Đại.
Không chỉ nuôi sống con người xứ Quảng mà sông Thu Bồn còn là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt của dân quân ta với thực dân Pháp và bọn xâm lược Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), sông Thu Bồn là một ranh giới: hữu ngạn trở lên phía Tây là vùng tự do; tả ngạn về phía đông là vùng tạm chiếm.
Biết bao cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ đã diễn ra hai bên bờ và ngay cả trên sông này. Không kể bao nhiên chiến sĩ cách mạng, bao nhiêu bộ đội, dân quân du kích, những người dân thường yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất gắn bó với dòng sông. Những con người ấy trở nên bất tử. Còn dòng sông Thu Bồn thì mãi mãi tươi đẹp như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng.