Dòng sông huyền thoại dài hơn 6.800km, chảy qua 11 nước và bí ẩn hàng nghìn năm thách thức loài người
Dòng sông được coi như biểu tượng của sự thịnh vượng và được tôn thờ như một vị thần mang lại sự sống vĩnh hằng.
Sông Nile (châu Phi) luôn được khẳng định là con sông dài nhất thế giới với 6.853km (có tài liệu ghi là 6.650 hay 6.695km). Đến năm 2007, một nhóm nhà khoa học Brazil và Peru công bố sông Amazon (Nam Mỹ) dài hơn sông Nile tầm hơn 100km, theo National Geographic.
Điều này khiến nhiều người phân vân không biết dòng sông nào dài nhất. Tuy nhiên, kỷ lục Guinness vẫn xác nhận sông Nile dài nhất thế giới. Nhiều tài liệu khác cũng khẳng định điều này.
Tên gọi của sông Nile xuất phát từ hệ ngôn ngữ Xê-mit (Semitic languages). Lúc đầu, nó có tên là Nahal, sau đổi lại thành Neilos, có nghĩa là “dòng sông thung lũng”.
Theo Livescience, sông Nile chảy qua 11 nước châu Phi gồm: Tanzania, Burundi, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Công Gô, Kenya, Uganda, Nam Sudan, Ethiopia, Sudan, Ai Cập và Eritrea. Đây là dòng sông có ảnh hưởng nhất ở châu lục này, gắn liền sự hình thành, phát triển và lụi tàn của nhiều vương quốc cổ đại, góp phần tạo dựng nền văn minh sông Nile.
Sông Nile là huyết mạch của nền văn minh Ai Cập kể từ thời kỳ đồ đá. Có tới 95% dân số quốc gia Ai Cập sống dọc theo thung lũng sông Nile, phía bắc Aswan. Không chỉ mang đến lượng phù sa màu mỡ cho đất liền, dòng sông này còn mang đến những giá trị về văn minh và văn hóa vô cùng lớn cho người Ai Cập. Nước sông giúp chống lại các hiện tượng xói mòn đất, sự xâm lấn của sa mạc và cung cấp nguồn nước ngọt chính cho toàn vùng đất này.
Đã tồn tại từ lâu, vậy nguồn của sông Nile nằm ở đâu? Mặc dù có vẻ đây là câu hỏi đơn giản, nhưng suốt hàng nghìn năm nay, từ thời Ai Cập cổ đại và La Mã, con người không ngừng tìm kiếm lời giải đáp. Ngay cả ở thời điểm hiện tại trong thời đại của các vệ tinh phong phú và công nghệ phát triển, việc tìm kiếm nguồn gốc của sông Nile vẫn không hề dễ dàng như tưởng tượng.
Ngày nay, phần lớn chuyên gia đồng ý rằng sông Nile có hai nguồn chính: sông Nile Xanh và sông Nile Trắng, gặp nhau ở thủ đô Khartoum (Sudan) trước khi tiếp tục chảy về phía bắc, tới Ai Cập. Sông Nile Xanh bắt nguồn từ hồ Tana tại Ethiopia, trong khi sông Nile Trắng bắt nguồn từ khu vực xung quanh hồ Victoria ở Jinja, Uganda.
Đây là lý do tại sao hồ Victoria - hồ lớn nhất châu Phi tính theo diện tích, thường xuyên được coi là nguồn của sông Nile. Tuy nhiên, nhà thám hiểm nổi tiếng Christopher Ondaatje giải thích trên tạp chí Geographical năm 2016, bản thân Victoria là hồ chứa được các con sông khác cung cấp nước.
Năm 1996, Ondaatje mạo hiểm thực hiện chuyến thám hiểm xuyên châu Phi để xác định nguồn sông Nile và phát hiện, nước của hồ Victoria chảy vào hồ Albert. Sông Nile Trắng không trực tiếp chảy ra từ hồ Albert mà từ sông Kagera và sông Semliki. Hai sông này bắt nguồn từ dãy núi Ruwenzori ở Congo. Cuối cùng, ông kết luận, sông Nile Trắng có thể bắt nguồn từ sông Kagera và sông Semliki. "Dãy Ruwenzori là nguồn cung cấp nước sông Nile quan trọng như hồ Victoria", ông viết.
Tóm lại, sông Nile không phải chỉ có một nguồn duy nhất mà được nuôi dưỡng bởi một hệ thống phức tạp gồm các con sông và vùng nước khác. Dù nhiều người cho rằng có thể xác định nguồn chính xác dựa vào bản đồ nhưng sự thật hiếm khi đơn giản như vậy.