Du ngoạn

Dòng sông và cây cầu làm ‘điểm nối’ 2 nửa non sông Việt Nam sau Hiệp định Genève, chia cắt hàng triệu gia đình suốt 20 năm

Dương Uyển Nhi 21/07/2024 22:00

Khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, dòng sông và cây cầu này đã trở thành “điểm nối” hai nửa non sông.

Tỉnh thành được mệnh danh là "Bảo tàng sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng"

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng với lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Với khoảng 500 di tích lịch sử chiến tranh, danh thắng đã được xếp hạng, trong số đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Trị được nhiều người gọi với cái tên "Bảo tàng sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng". Và khi nhắc đến Quảng Trị, không thể không nhắc đến di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Sông Bến Hải xuất phát từ dãy núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy từ Tây sang Đông dọc theo vĩ tuyến 17 trước khi đổ ra biển tại Cửa Tùng. Sông dài khoảng 100km, nơi rộng nhất khoảng 200m, và là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Cầu Hiền Lương, nằm tại km735 trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải, nối thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh ở bờ Bắc và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, Gio Linh ở bờ Nam. Cầu ban đầu được xây dựng từ gỗ vào năm 1928 với mục đích chính cho người đi bộ.

Cầu Hiền Lương ban đầu (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương ban đầu (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương được phục chế lại (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương được phục chế lại (Ảnh: Internet)

Qua nhiều lần tu sửa và nâng cấp, năm 1952, chính quyền Pháp đã xây mới cầu Hiền Lương với trụ bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép và mặt cầu lát gỗ thông. Ngày 2/8/1967, cầu bị phá hủy do bom Mỹ.

Cầu Hiền Lương từng bị đánh sập (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương từng bị đánh sập (Ảnh: Internet)

Năm 1974, một cây cầu mới được xây bằng bê tông cốt thép nhằm phục vụ giao thông quân sự ở miền Nam, mang ý nghĩa là biểu tượng của sự thống nhất đất nước. Đến năm 1996, Bộ Giao thông Vận tải quyết định xây dựng một cây cầu mới dài 230m và rộng 11,5m nằm ở phía Tây của cầu cũ để cung cấp giải pháp giao thông hiện đại. Cây cầu cũ đã được phục chế nguyên dạng, trở thành điểm tham quan cho du khách.

“Chứng nhân” lịch sử cho thời kỳ hào hùng của dân tộc

Dòng sông Bến Hải dù chỉ rộng khoảng 200m nhưng cả dân tộc Việt Nam đã phải mất hơn 20 năm để đến được bờ kia. Cầu Hiền Lương không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là biểu tượng của sự chia cắt vô hình, tách rời hàng triệu gia đình Việt Nam. Đó là bức tranh sinh động về lòng khao khát thống nhất đất nước, nơi hàng triệu người Việt Nam đã sẵn sàng đánh đổi xương máu để viết nên trang sử ngày độc lập.

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Bắc (Ảnh: Internet)

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Bắc (Ảnh: Internet)

Ngày 21/7/1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, nơi sông Bến Hải chảy qua. Cầu Hiền Lương trở thành "điểm nối" giữa hai nửa đất nước. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải gồm 7 nhịp, dài 178m, theo Hiệp định, mỗi bên nhận 89m cầu. Dự kiến cuộc phân ly tạm thời này chỉ kéo dài 2 năm và sẽ kết thúc sau cuộc tổng tuyển cử thống nhất nhưng thực tế kéo dài đến 21 năm. Trong thời gian đó, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương đã “chịu đựng” nhiều đau thương mất mát, trở thành biểu tượng của sự chia ly và mất mát.

Dòng sông Bến Hải đã trở thành nơi chịu nhiều cuộc tấn công từ bom đạn của quân địch. Mặc dù đồn bốt của địch được xây dựng bằng sắt thép, lưỡi lê và xe tăng, không sức mạnh nào có thể khuất phục lòng quả cảm, trí tuệ và niềm tin mạnh mẽ vào chân lý của nhân dân hai bờ Bến Hải.

Cột cờ hai miền vào thời điểm đất nước tạm thời bị chia cắt (Ảnh: Internet)

Cột cờ hai miền vào thời điểm đất nước tạm thời bị chia cắt (Ảnh: Internet)

Đến năm 1962, khi Ngô Đình Diệm quyết định dựng một cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m ở bờ Nam, quân và nhân dân ta đã đáp trả bằng việc xây một cột cờ mới cao tới 38,6m với lá cờ rộng 134m2 và nặng 15kg, trở thành cột cờ cao nhất trong khu vực giới tuyến.

Từ đó, trong suốt 20 năm chiến tranh, mọi đạn pháo địch đều hướng về ngọn cờ ở bờ Bắc sông Bến Hải. Sự hiện diện của lá cờ Tổ quốc trên kỳ đài Hiền Lương trở thành biểu tượng mạnh mẽ về sức mạnh và chiến thắng của dân tộc, với hơn 300 trận đánh lớn nhỏ và nhiều chiến sĩ đã hy sinh.

Ngoài cuộc đấu cờ, còn diễn ra một cuộc chiến khác - cuộc chiến âm thanh giữa ta và quân địch. Để phơi bày âm mưu xâm lược của chính quyền Mỹ ngụy và hỗ trợ tinh thần cho nhân dân miền Nam, ta đã xây dựng một hệ thống âm thanh hiện đại với công suất tổng cộng 180.000W tại khu vực Bắc Hiền Lương và 7.000W tại cầu Hiền Lương. Với những chương trình phát thanh đa dạng và phong phú, hệ thống loa này vượt trội so với dàn loa bờ Nam của chính quyền Mỹ ngụy. Hệ thống loa đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào sự thống nhất đất nước.

Hệ thống loa giữa hai miền Nam - Bắc

Hệ thống loa giữa hai miền Nam - Bắc

Ngày nay, ven bờ sông Bến Hải yên bình, không xa cầu Hiền Lương lịch sử, "Khu di tích đôi bờ Hiền Lương" đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Những công trình như cầu Hiền Lương, cột cờ Hiền Lương, nhà Liên hợp, đồn Công an Hiền Lương, đồn trạm Cảnh sát bờ Nam và cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” vẫn được bảo tồn như những chứng nhân lịch sử, nhắc nhở thế hệ sau về giá trị của hòa bình. Đây là nơi du khách trong và ngoài nước có thể hồi tưởng về một thời kỳ đau thương nhưng cũng đầy oai hùng và kiêu hãnh.

Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Ảnh: Google Arts & Culture)

Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Ảnh: Google Arts & Culture)

Bên cạnh Đôi bờ Hiền Lương, du khách khi đến Quảng Trị còn có thể tham quan những địa danh lịch sử nổi tiếng khác như Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc. Ngoài ra, các địa điểm như đảo Cồn Cỏ, bãi biển Cửa Tùng, cửa khẩu Lao Bảo cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Tham khảo:

- Di tích lịch sử cầu Hiền Lương và những câu chuyện lịch sử không thể nào quên (Phần 1) - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

- Quảng Trị: Một dòng sông, một khát vọng thống nhất đất nước - VietnamPlus

>> 'Đô thị đáng sống bậc nhất thế giới' của Việt Nam đề xuất tăng giá vé tham quan tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt

Việt Nam chính thức có thêm 3 di tích quốc gia đặc biệt

Di tích hơn 100 tuổi nằm trên núi hướng ra vịnh biển đẹp nhất thế giới của Việt Nam sắp được trùng tu để đón khách du lịch

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dong-song-va-cay-cau-lam-diem-noi-2-nua-non-song-viet-nam-sau-hiep-dinh-geneve-chia-cat-hang-trieu-gia-dinh-suot-20-nam-d128254.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dòng sông và cây cầu làm ‘điểm nối’ 2 nửa non sông Việt Nam sau Hiệp định Genève, chia cắt hàng triệu gia đình suốt 20 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH