Động thái mới giúp heo ăn chay BAF cho heo ăn chuối của bầu Đức 'hít khói'
Mặc dù cùng ra mắt năm 2022 nhưng "heo ăn chay" đã vượt xa "heo ăn chuối" về kết quả kinh doanh. Với động thái mới của BAF, khoảng cách này dự kiến sẽ tiếp tục nới rộng.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Chăn nuôi - Thực phẩm Muyuan (Muyuan Foods Co., Ltd). Một trong những điểm quan trọng của thỏa thuận này là việc Muyuan chuyển giao công nghệ chăn nuôi thông minh cho BAF, hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi và cải tiến quy trình sản xuất.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa BAF và Muyuan được cả hai bên đánh giá là cột mốc quan trọng, không chỉ giúp gia tăng giá trị thương mại mà còn nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu của hai doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Ông Gao Tong, Giám đốc tài chính của Muyuan chia sẻ: "Chúng tôi tự tin rằng, với sự hợp tác này, BAF sẽ đạt mục tiêu chăn nuôi 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Hợp tác này sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon, an toàn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam."
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa BAF và Muyuan Foods |
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF, cũng nhấn mạnh: "Sự kiện ký kết hôm nay là kết quả của quá trình hợp tác dài hạn giữa BAF và Muyuan, đồng thời mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý an toàn sinh học và các giải pháp môi trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác để hiện đại hóa và đổi mới ngành chăn nuôi."
Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh ngành chăn nuôi toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là dịch tả lợn châu Phi. BAF hy vọng rằng, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến của Muyuan sẽ giúp công ty vượt qua các thách thức, đạt được mục tiêu 10 triệu con lợn vào năm 2030. Ông Trương Sỹ Bá còn cho biết, công nghệ mới này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đất đai đến 4 lần, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.
BAF Việt Nam, thành lập năm 2017, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung cấp thực phẩm sạch theo mô hình khép kín "Feed - Farm - Food". Một trong những sản phẩm nổi bật của công ty là "heo ăn chay" BaF Meat, đối trọng với sản phẩm "heo ăn chuối" của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Trong khi đó, Muyuan Foods là tập đoàn chăn nuôi lớn của Trung Quốc với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Tập đoàn này đã xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi, đến giết mổ và chế biến. Với quy mô hoạt động rộng lớn, Muyuan hiện có hơn 1.125 trang trại và tổng sản lượng lên đến gần 64 triệu con lợn vào năm 2023, cùng 10 nhà máy giết mổ, đứng đầu thế giới về khối lượng sản xuất thịt lợn.
Sự hợp tác này kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả hai doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng và góp phần vào sự thịnh vượng của ngành chăn nuôi Việt Nam.
So găng hiệu quả kinh doanh giữa heo ăn chuối của HAGL và heo ăn chay của BAF
Heo ăn chuối được HAGL (HAG) ra mắt thị trường vào cuối năm 2022 và đã gây “chấn động” với doanh thu 676,4 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 110,2 tỷ đồng chỉ trong 1 quý. Đây được coi là “ánh sáng nơi cuối con đường” khi HAGL thời điểm đó vẫn đang loay hoay không biết trồng cây gì và nuôi con gì để đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của heo ăn chuối dần suy thoái. Năm 2023, mảng này mang lại doanh thu thuần 1.964 tỷ đồng và lãi gộp chỉ 65 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, mảng chăn nuôi heo của HAGL ghi nhận doanh thu 612 tỷ đồng, hoàn thành 39% kế hoạch năm và lãi gộp 92 tỷ đồng.
Ngược lại, mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với heo ăn chuối của HAGL, BAF hiện đang duy trì vị thế trong top 5 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu bán heo của BAF đạt 1.331 tỷ đồng vượt 108% so với cả năm 2023. Lợi nhuận gộp tăng 122% với biên lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi theo mô hình 3F đạt mức 24%.
Nhận thấy cơ hội trong khó khăn khi các đối thủ chùn bước, BAF đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hệ thống trang trại và nhà máy, sẵn sàng đón đầu chu kỳ phục hồi kinh tế với mục tiêu lọt vào top 3 công ty hàng đầu trong ngành. Công ty dự kiến tăng gấp đôi tổng đàn heo ăn chay vào cuối năm 2024, đạt 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt.
Ông Trương Sỹ Bá, đại diện của BaF, khẳng định hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới là đối thủ cạnh tranh mang tính sống còn của BAF. Công ty đặt mục tiêu chiếm dần thị phần từ đối tượng này.
Đại diện BAF nhận định thị phần của các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới. BAF cùng các doanh nghiệp chăn nuôi khác đang dần chiếm lĩnh phần thị phần tự nhiên từ sự giảm đi của các hộ nhỏ lẻ. Dự kiến trong 7-10 năm tới, các công ty chăn nuôi sẽ chiếm hết thị phần nhỏ lẻ, và khi đó, sự cạnh tranh mới thực sự phát triển.
>> 6 năm trước phá chanh leo trồng sầu riêng, bầu Đức bắt đầu nghĩ về tương lai của HAGL