Ngược chiều, khối ngoại đã liên tục bán ròng cổ phiếu VND từ cuối tháng 8/2022 tới nay với khối lượng bán ròng khoảng 26 triệu đơn vị.
Từ trạng thái dư bán sàn hơn 30 triệu đơn vị lúc 10h20, đến 11h20, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã hấp thụ toàn bộ lượng cổ phiếu VND bị đặt bán sàn.
Thậm chí theo quan sát, nhà đầu tư vẫn đang đặt mua giá sàn gần 2 triệu cổ phiếu.
Tính đến gần cuối phiên sáng, VND trở thành một trong những mã có thanh khoản lớn nhất thị trường chứng khoán với khối lượng giao dịch tạm tính đạt gần 43 triệu đơn vị trong đó 78% số này là mua chủ động trong đó mức giá sàn 11.450 đồng được nhà đầu tư mua vào tới hơn 28 triệu cổ phiếu.
Ngược chiều, khối ngoại tạm thời đang bán ra gần 9 triệu cổ phiếu VND với giá trị bán ròng gần 110 tỷ đồng. Tạm tính, đây cũng là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ ngày 20/10.
Nếu tính từ cuối tháng 8/2022 tới nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 26 triệu cổ phiếu VND.
Từ mức 22.950 đồng (phiên 25/8/2022), sau trong 2 tháng, cổ phiếu VND (Chứng khoán VNDirect) đã mất tới 11.500 đồng thị giá - tương ứng mức giảm 50% thị giá; vốn hóa bốc hơi 14.000 tỷ trong cùng thời điểm.
Kết phiên sáng 25/10, cổ phiếu VND thoát khỏi mức giá sàn và chỉ còn giảm 2,8%. Đồng pha, nhóm chứng khoán từ trạng thái "nằm sàn la liệt" cũng đã đảo chiều với hàng loạt mã tăng; chỉ số ngành này từ mức -5% lúc sau 10h đã chuyển sang tăng 1% khi bước vào giờ nghỉ.
Thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây khi VN-Index liên tục giảm mạnh xuống dưới mốc 1.000 điểm và rơi về đáy năm kể từ tháng 11/2020. Hàng loạt cổ phiếu lao dốc mạnh, thậm chí thủng đáy dài hạn song vẫn bị dòng tiền chứng khoán "làm ngơ".
Trong bối cảnh đó, nhóm chứng khoán trở thành một trong những tâm điểm bị xả mạnh trước lo ngoại kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng bởi biến động không thuận lợi của thị trường chung.
Các cổ phiếu như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS... đã đồng loạt giảm sâu, thị giá mất khoảng 60 - 75% so với đỉnh. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại giai đoạn thị trường bùng nổ kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều công ty chứng khoán đã từng đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Thời điểm đó, nhóm chứng khoán đóng góp đến 3 đại diện trong danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên sàn, thậm chí vốn hóa SSI còn từng vượt ngưỡng 2 tỷ USD.
Theo Nhịp sống thị trường, ở thời điểm hiện tại, những con số trên chỉ còn lại chưa đến một nửa và danh sách tỷ USD vốn hóa cũng đã chính thức “sạch bóng” công ty chứng khoán.
Nói như vậy bởi công ty lớn nhất ngành chứng khoán là SSI sau chuỗi 5 phiên lao mạnh từ ngày 18 - 24/10 (giảm 2.900 đồng thị giá - tương đương vốn hóa giảm 4.300 tỷ) đã chính thức rời nhóm vốn hóa tỷ USD.
Đvt: Tỷ đồng
18 cổ phiếu về dưới mệnh giá, các công ty chứng khoán lãi/lỗ ra sao trong quý 3/2022?