Tài chính Ngân hàng

Dòng vốn nước ngoài rút lui với tốc độ chưa từng thấy khỏi siêu cường số 1 châu Á, Việt Nam là điểm đến tiềm năng?

Mạnh Cường 12/11/2024 13:01

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút nhanh khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị và kinh tế. Liệu Việt Nam có nắm bắt cơ hội trở thành điểm đến đầu tư thay thế?

Dòng vốn nước ngoài rút mạnh khỏi Trung Quốc

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ đáng báo động. Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, nợ phải trả đầu tư trực tiếp của quốc gia này đã giảm 8,1 tỷ USD trong quý III và gần 13 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Đây là mức suy giảm đáng kể sau khi dòng vốn FDI vào Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2021, với nguyên nhân chính là căng thẳng địa chính trị, lo ngại về kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nội địa. Nếu xu hướng này kéo dài đến cuối năm, đây có thể là lần đầu tiên FDI ròng của Trung Quốc âm kể từ năm 1990.

Nhiều tập đoàn lớn như Nissan Motor, Volkswagen AG, và Konica Minolta đã thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc. Nippon Steel rút khỏi liên doanh vào tháng 7, trong khi IBM giải thể bộ phận nghiên cứu phần cứng, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 nhân viên.

Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nhận định rằng căng thẳng địa chính trị là mối quan ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư, khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn và chỉ những khoản đầu tư nhỏ vẫn được duy trì.

Mặc dù vậy, các biện pháp kích thích kinh tế từ cuối tháng 9 đã mang lại một số tín hiệu tích cực nhất định khi giá trị cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng hơn 26% từ tháng 8.

Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lại tăng mạnh, đạt 34 tỷ USD trong quý III, nâng tổng mức đầu tư trong năm lên 143 tỷ USD - mức cao thứ ba trong lịch sử cho cùng kỳ.

Các công ty như BYD đang nhanh chóng mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo nguồn nguyên liệu và gia tăng năng lực sản xuất tại các thị trường nước ngoài. Xu hướng này có khả năng tiếp tục và mở rộng, nhất là khi ngày càng nhiều quốc gia áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, chẳng hạn như thép, và Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.

Dòng vốn nước ngoài rút lui với tốc độ chưa từng thấy khỏi siêu cường số 1 châu Á, Việt Nam là điểm đến tiềm năng?
FDI vào Trung Quốc đã giảm gần 13 tỷ USD trong năm nay, nguồn: Bloomberg

Dòng vốn nước ngoài rút lui với tốc độ chưa từng thấy, siêu cường số 1 châu Á đã lung lay?

Việt Nam: Điểm đến tiềm năng của dòng vốn rút khỏi Trung Quốc?

Trong khi dòng vốn đầu tư đang rút lui khỏi Trung Quốc thì Việt Nam lại đang được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tính đến 31/10/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8%, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng phát triển ổn định của Việt Nam.

Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng điện tử, năng lượng xanh, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn và quỹ đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách kinh tế ổn định, cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn – những ngành mà Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích.

Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) của Mỹ, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, đã rót hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Đáng chú ý, KKR đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tập đoàn Masan với mục tiêu phát triển lực lượng lao động và hệ sinh thái giáo dục chất lượng cao.

Cụ thể, tại EQuest, KKR đầu tư vào các chương trình giáo dục phổ thông và công nghệ giáo dục, còn tại Masan, KKR cam kết 250 triệu USD cho Masan Group và Masan Nutri-Science, thể hiện quyết tâm mở rộng tại khu vực ASEAN.

Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA), quản lý quỹ tài sản 830 tỷ USD, cũng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Thông qua Công ty Platinum Orchid, ADIA và các quỹ đầu tư như TPG (Mỹ) và SeaTown Holdings International (Singapore) đã mua lại 19% cổ phần của Masan tại The CrownX – công ty con trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ.

Blackstone, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản hơn 1.000 tỷ USD, cũng đang xem xét Việt Nam như một điểm đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển trung tâm dữ liệu AI, lĩnh vực mà Việt Nam đã xác định tầm nhìn chiến lược. Việc tham gia của Blackstone dự kiến sẽ thúc đẩy dòng vốn và chuyển giao công nghệ, góp phần vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

>> Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các quỹ đầu tư hàng nghìn tỷ USD từ Mỹ và Trung Đông

Trung Quốc dẫn đầu về số lượng dự án FDI tại tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam

Việt Nam hút hơn 27,26 tỷ USD vốn FDI, lộ diện 2 ngành được đầu tư nhiều nhất trong 10 tháng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-von-nuoc-ngoai-rut-lui-voi-toc-do-chua-tung-thay-khoi-sieu-cuong-so-1-chau-a-viet-nam-la-diem-den-tiem-nang-259587.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dòng vốn nước ngoài rút lui với tốc độ chưa từng thấy khỏi siêu cường số 1 châu Á, Việt Nam là điểm đến tiềm năng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH