Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đầu tư 67 tỷ USD, cần hơn 33 năm hoàn vốn
Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỷ lệ 443/454 đại biểu có mặt tán thành.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính thức được Quốc hội thông qua
Chiều 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án nhận được sự đồng thuận cao, với 443/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Dự án có tổng chiều dài 1.541 km, nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Được thiết kế vận hành với tốc độ tối đa 350 km/h, hệ thống bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, và áp dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa hiện đại.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 1.713.548 tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, trải qua ba kỳ trung hạn từ 2021 đến 2035. Diện tích đất sử dụng ước tính khoảng 10.827 ha, trong đó có 3.655 ha đất trồng lúa và 2.567 ha đất lâm nghiệp. Số người cần tái định cư lên đến 120.836, đặt ra thách thức lớn trong công tác giải phóng mặt bằng và ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Hệ thống đường sắt này không chỉ phục vụ hành khách mà còn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng về quốc phòng, an ninh và khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong 10 dự án đường sắt dài nhất thế giới, nguồn: Internet |
Thời gian hoàn vốn dự kiến hơn 33 năm
Trước khi thông qua, các đại biểu đã đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, đặc biệt là khả năng thu hồi và hoàn trả vốn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã tính toán rằng dù dự án mang lại lợi ích kinh tế gián tiếp rất lớn, nhưng doanh thu từ vận tải và khai thác thương mại chỉ đủ cân đối chi phí vận hành, bảo trì trong 4 năm đầu. Do đó, cần hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách để bảo trì kết cấu hạ tầng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng (hiện nay là Bộ trưởng Bộ Tài chính) cho biết, thời gian hoàn vốn tối đa của dự án được tính toán là 33,61 năm.
“Trong báo cáo nghiên cứu khả thi các chỉ tiêu về phương án tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán cụ thể trên cơ sở phương án đầu tư, phương án khai thác và điều kiện khi đưa dự án vào vận hành, khai thác”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng thông tin thêm liên quan đến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tác động nợ công, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035 là trong 12 năm, mỗi năm bình quân là 5,6 tỷ USD.
Dự kiến sẽ đi vay tối đa là 30%, tuy nhiên chưa quyết định việc vay trong nước hay vay ODA mà phụ thuộc vào hiệu quả của việc vay. Theo Bộ trưởng, “nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì tốt, còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi ưu tiên vay trong nước”.
Với tổng mức đầu tư và quy mô chưa từng có, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng, đồng thời cải thiện hạ tầng giao thông, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình triển khai và vận hành.
>> Cần chỉ định thầu làm 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Cần chỉ định thầu làm 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?