ĐBQH nêu đề xuất đặc biệt về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67,3 tỷ USD
Với mong ước "trái cây sáng hái miền Tây, chiều đến kệ siêu thị Hà Nội", các ĐBQH đã nêu đề xuất đặc biệt về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong phiên thảo luận theo tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,34 tỷ USD của Quốc hội diễn ra vào 13/11, đã có nhiều ĐBQH nêu đề xuất đặc biệt về dự án này.
Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến Cần Thơ
Tại buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP. HCM) đề xuất nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến các tỉnh miền Tây, bao gồm Cần Thơ – khu vực chưa có nhiều tuyến cao tốc đường bộ và thường xuyên gặp tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong các dịp lễ, Tết.
Các ĐBQH đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến Cần Thơ. Ảnh minh họa |
Bà Hạnh nhấn mạnh rằng Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây và việc mở rộng tuyến đường sắt đến khu vực này sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. HCM) cũng bày tỏ quan ngại khi hiện nay các tuyến cao tốc chủ yếu tập trung ở phía Bắc, trong khi miền Tây gần như trở thành một vùng "trũng" về hạ tầng giao thông, thiếu sự đầu tư cần thiết. Bà Lan cho rằng vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi từng đồng ngân sách là từ thuế của người dân và việc đầu tư không hiệu quả là điều rất đáng tiếc.
ĐBQH cho rằng Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây và việc mở rộng tuyến đường sắt đến khu vực này sẽ mang đến nhiều lợi ích. Ảnh minh họa |
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TP. HCM) đồng tình với đề xuất kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến miền Tây và mở rộng từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc, để tạo tuyến huyết mạch luân chuyển hàng hóa. Bà chia sẻ mong muốn: "Tôi mong rằng trái cây sáng hái ở miền Tây có thể đến kệ siêu thị Hà Nội vào buổi chiều. Chỉ khi đó, chúng ta mới giải quyết được vấn đề vận chuyển hàng hóa và tối ưu hóa logistics".
>> ACV kiến nghị tiếp tục triển khai đường cất, hạ cánh số 3 sân bay Long Thành
Giải pháp nào để nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam về Cần Thơ?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến có tổng chiều dài 1.541km, sẽ bắt đầu từ tổ hợp ga Ngọc Hồi tại TP. Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm ở TP. HCM.
Hiện tại, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa xem xét phương án kéo dài đến Cần Thơ như một số đại biểu Quốc hội đề xuất. Tuy nhiên, tuyến đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ đang được đẩy nhanh tiến độ bởi sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các địa phương với mục tiêu hoàn thành trước năm 2035.
Nếu tuyến đường sắt này về đích đúng hẹn sẽ đón đầu tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tạo thành một dải đường sắt đôi tốc độ cao cùng khổ 1.435mm xuyên suốt từ Hà Nội đến Cần Thơ.
Phối cảnh hình ảnh đường sắt tốc độ cao đi qua Cần Thơ. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP. HCM gửi UBND TP. HCM, dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ hoàn thành quá trình thẩm định vào tháng 12/2024 và sau đó dự án sẽ được trình lên Bộ Chính trị và Quốc hội để xin chủ trương đầu tư vào năm 2025.
Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ dự kiến sẽ triển khai qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bao gồm việc xây dựng tuyến đường đơn từ ga An Bình (TP. Dĩ An, Bình Dương) đến ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với tổng chiều dài 175,2km, trong đó có 76,6 km đoạn đi thấp và 98,6km đoạn trên cầu cạn và vượt sông.
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu dự kiến là 155.433 tỷ đồng với mục tiêu khởi công trước năm 2030 và đưa vào khai thác từ năm 2035. Tuyến này được đề xuất với tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.
Giai đoạn hai của dự án sẽ nâng cấp tuyến thành đường đôi chuẩn khổ 1.435mm và áp dụng công nghệ điện khí hóa, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 64.736 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD).
Giai đoạn này sẽ được triển khai sau khi giai đoạn một đi vào vận hành, với mục tiêu đưa vào khai thác vào năm 2055 nhằm gia tăng năng lực vận tải hành khách và hàng hóa.
Đến năm 2055, dự kiến tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển khoảng 26 triệu tấn hàng hóa và 18 triệu hành khách mỗi năm, góp phần tăng cường sức cạnh tranh kinh tế và nâng cao khả năng lưu thông hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các thị trường lớn.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách. Theo Tạp chí VnEconomy, trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD.
Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.
>> Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM sẽ hoàn thành trước năm 2027
Phú Quốc sắp chuyển đổi gần 60ha đất rừng để làm khu du lịch sinh thái
Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người tìm kiếm chung cư hạng sang và siêu sang