Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cần có cơ chế đặc thù để các nhà thầu trong nước có điều kiện tham gia vào "siêu dự án" 67 tỷ USD này.
Dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử
Thông tin trên báo Chính phủ cho biết, chiều ngày 30/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD.
Theo như dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2035 với nguồn vốn ngân sách Nhà nước được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khoảng 12 năm.
Trong chủ trương vừa được Quốc hội thông qua, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được phép áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả triển khai.
Theo như thiết kế, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi với khổ 1.435mm, điện khí hóa, vận tốc thiết kế đạt 350 km/h. Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa |
Dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đã trải qua 18 năm nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Đây là dự án có vai trò chiến lược dài hạn, là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, với quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật phức tạp và là lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các cơ chế đặc thù để bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Dự án không chỉ góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi cả nước.
Phát biểu tại tọa đàm "Cà phê nhà thầu xây dựng" lần thứ 4, tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhận định đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước. Theo ông, để thực hiện thành công, Việt Nam cần huy động nguồn lực lớn và nỗ lực triển khai đồng bộ.
Thứ trưởng Hà nhấn mạnh đây một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình đặc thù về kỹ thuật, an toàn và chất lượng.
Đồng thời, cần thiết lập khung pháp lý rõ ràng, chính sách phù hợp liên quan đến quản lý, thẩm định, quy hoạch sử dụng đất, nguồn vốn và công nghệ. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan cũng đóng vai trò quyết định trong giai đoạn triển khai.
Một thách thức lớn hiện nay là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.
Theo Thứ trưởng Hà cho biết, đội ngũ chuyên gia và kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, đào hầm còn hạn chế và phần lớn đã lớn tuổi. “Do đó, nhiệm vụ cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho dự án”, ông Hà nhấn mạnh.
Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, việc giải quyết các thách thức về nguồn lực và quy trình triển khai không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quyết định để hiện thực hóa giấc mơ đường sắt tốc độ cao đầu tiên tại Việt Nam.
>> Quốc hội đồng ý lùi thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026
Cần cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp hiện đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà thầu Việt Nam. Để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia và đảm bảo lợi ích quốc gia, nhiều chuyên gia và lãnh đạo đã đề xuất những cơ chế đặc thù hỗ trợ.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhấn mạnh rằng cần có các cơ chế đặc thù liên quan đến năng lực, kinh nghiệm, tài chính và liên kết liên doanh để tạo điều kiện cho nhà thầu Việt tham gia dự án. Ông Hiệp cho rằng, đây là dự án quốc gia quan trọng, nếu các nhà thầu Việt Nam không được làm chủ trên chính đất nước mình thì đó là điều rất đáng tiếc.
Các chuyên gia cho rằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt có thể tham gia. Ảnh minh họa |
“Đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam. Nếu không có cơ chế đặc thù, chắc chắn các nhà thầu trong nước sẽ không có cơ hội tham gia dự án", ông Hiệp chia sẻ.
Khó khăn của nhà thầu giao thông trong nước
Theo Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, các nhà thầu giao thông Việt Nam hiện nay đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều nhà thầu đã phải chấp nhận giảm giá thầu từ 20-40% để giành được hợp đồng, do thị trường thiếu việc làm. Ông nhấn mạnh, để bảo vệ các nhà thầu Việt Nam có năng lực và đảm bảo lợi ích quốc gia, cần có cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao.
Trước thực trạng này, đưa ra giải pháp tăng cường nguồn lực cho nhà thầu Việt Nam, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Fecon đề xuất nghiên cứu cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia dự án trọng điểm quốc gia, học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc.
Theo ông Khoa, đối với dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, việc chỉ định nhà thầu xây lắp là cần thiết để đảm bảo các yếu tố như năng lực thực hiện, tiềm lực tài chính và cam kết về bảo hành công trình.
Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" tổ chức vào trung tuần tháng 11, ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đảm đương dự án nếu được trao cơ hội. Tuy nhiên, ông Kiên cũng bày tỏ lo ngại về khả năng liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước.
"Miếng bánh rất lớn, nhưng nếu các doanh nghiệp Việt không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu, sẽ rất khó để giành thắng lợi khi gói thầu mở ra. Nếu không liên kết và đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua ngay trên chính sân nhà", ông Kiên đưa ra nhận định.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD. Dự án này có tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.
Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, theo Tạp chí VnEconomy.
Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.
>> Ngợp mắt trước căn biệt phủ 4.000m2 toàn gỗ quý của vợ chồng chủ chuỗi thẩm mỹ viện Mailisa
Kiến trúc "vị nhân sinh" của đô thị Sun Group tại Hà Nam
Bà Rịa - Vũng Tàu muốn xây khu thương mại tự do hơn 1.000 ha