Dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Ngày 20/6, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã họp với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc cuộc họp, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì Dự án Luật BHXH sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Luật BHXH là một luật rất khó, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ thẩm tra dự án Luật này tại Phiên họp tháng 8/2023. Do đó với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa, mục đích cuộc làm việc mong muốn cung cấp thêm thông tin cho các thành viên Ủy ban về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Đề xuất bổ sung quyền, lợi ích cho người tham gia
Theo ông Lê Văn Thanh -Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 135 Điều trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, trong đó có bổ sung 03 nội dung mới Trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng BHXH và đầu tư quỹ BHXH bỏ mục chế độ TNLĐ-BNN (đã được quy định tại Luật ATVSLĐ); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia BHXH, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà quy định cụ thể vào từng chế độ.
So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả…
Nêu một số vấn đề cần quan tâm trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, song nội hàm của các chính sách, cấu thành của các tầng chưa được quy định rõ. Mặc dù tầng BH bổ sung đã được quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn trong Luật BHXH năm 2014, nhưng qua 7 năm thực hiện, vẫn chưa có đánh giá, tổng kết về nội dung này.
Chính vì vậy, cần bổ sung những thông tin về đánh giá, tổng kết nội dung này để tạo sự ủng hộ, đồng thuận, chia sẻ với các chính sách. Đối với báo cáo đánh giá tác động, có những quy định được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ, chẳng hạn như các nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện BHXH, chế độ đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thẩm tra dự án Luật (sửa đổi) thời gian tới như: Hiện độ bao phủ của chính sách còn thấp; Tỷ lệ lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi lao động gia tăng trong các năm gần đây; Vấn đề tăng tuổi lao động dẫn đến tăng tuổi nghi hưu tương ứng đang đặt ra áp lực lớn cho bộ phận lao động trực tiếp, lao động việc làm trong điều kiện lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm; Áp lực với ngân sách nhà nước ở tầng hưu trí xã hội ngày càng lớn do tốc độ già hóa của nước ta rất nhanh và tỷ lệ bao phủ của tầng BHXH bắt buộc, tự nguyện chậm.
Người lao động cần hiểu rõ về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH
Thông tin thêm một số vấn đề trong thực hiện chính sách, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Luật chỉ nêu những nguyên tắc cơ bản, còn một số quy định cụ thể phân quyền cho Chính phủ là phù hợp bởi trong thời gian ngắn đã xuất hiện những vấn đề “phi truyền thống” và nếu thực hiện được như vậy thì Luật sẽ ổn định về lâu dài.
Về 2 phương án của BHXH một lần, qua thực tiễn tổ chức chính sách, số người hưởng BHXH một lần tương đương số người tham gia hệ thống BHXH; số người hưởng BHXH một lần quay trở lại tham gia BHXH chỉ bằng 1/4 số người đã hưởng.
Một trong nội dung cần thiết sửa đổi Luật là BHXH một lần, nếu được lựa chọn như phương án Nghị quyết 93 thì không đạt mục tiêu chính sách nên BHXH nghiêng về phương án 50-50 (50% NLĐ có nhu cầu được giải quyết BHXH một lần với trợ cấp 50% đóng).
Theo kinh nghiệm quốc tế thì không có nước nào cho hưởng BHXH một lần. BHXH Việt Nam đề nghị cần phân tích kỹ và bổ sung thêm một số chính sách khi NLĐ không rút BHXH một lần và cần định hướng chỉ đạo công tác tuyên truyền… ông Sơn cho biết.
Còn đối với vấn đề khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHXH Việt Nam cũng đồng tình với phương án: BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện chính sách trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan. Nếu BHXH Việt Nam là người khởi kiện thì không phù hợp bởi cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. "Vấn đề này giao cho cơ quan công đoàn như trước là phù hợp hoặc nếu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH thì đưa ra tòa luôn, không cần tố tụng, khởi kiện nữa" – Sơn nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc của các đại biểu, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật theo đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật, để đảm bảo dự án luật được xây dựng đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt khi trình Ủy ban TVQH tại phiên họp tháng 8 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).