Vĩ mô

Dự báo dân số Việt Nam đạt 46 triệu người vào năm 2200

Phúc Lam 17/10/2024 - 18:50

Sáng 15/10, hội thảo khoa học Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn được Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức. Tại hội thảo, những vấn đề liên quan đến dân số đã được thảo luận, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách dân số phù hợp với tình hình đất nước.

Tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thách thức về tỷ suất sinh không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia ở châu Á và châu Âu đều đang nỗ lực giải quyết thực trạng này.

Ông nêu dẫn chứng, có 38 trên tổng số 40 quốc gia có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỷ suất sinh dưới 2. Cụ thể, năm 2012, theo dự báo của Viện Quốc gia về dân số và nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản, dân số nước này sẽ đạt 50 triệu người vào năm 2100.

Ông lấy thêm ví dụ về Hàn Quốc, theo dự báo, vào năm 2100, đất nước này sẽ mất hơn 61% dân số so với năm 2020, đạt khoảng 20 triệu dân.

Giáo sư Thiện Nhân nói thêm: “Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài, theo con đường của tất cả các nước phát triển đã trải qua. Dự báo thô dân số Việt Nam, ở phương án cơ sở, năm 2200 là 46 triệu người”.

Hiện nay, các nước có thu nhập cao dành nhiều sự quan tâm và hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP hơn vấn đề phát triển con người, gia đình. Theo giáo sư Nguyễn Thiện Nhân vấn đề tái tạo con người, tái tạo gia đình không được lãnh đạo các nước, các chủ doanh nghiệp coi là điều kiện tiên quyết và là mục tiêu cao nhất để một đất nước phát triển bền vững, dân tộc trường tồn.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Một xã hội coi kết hôn và sinh con chỉ là việc riêng, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội đó sẽ tự tiêu vong”.

Dự báo dân số Việt Nam đạt 46 triệu người vào năm 2200
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Báo Phụ nữ TPHCM

Để khắc phục thực trạng giảm tổng tỷ suất sinh, các quốc gia trên đã tiến hành thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ kết hôn, sinh con với mức chi phí hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, kết quả nhận lại không như mong muốn.

Nguyên nhân được đưa ra là do những chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con được những quốc gia này áp dụng quá muộn. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế trong khả năng hỗ trợ tài chính của chính phủ để các gia đình có thể nuôi và cho 2 con đi học đến đến khi đủ 18 tuổi.

Ngoài ra, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này. “Để các cặp vợ chồng có đủ thu nhập để nuôi 2 con và cho con đi học đến 18 tuổi, thì không thể chỉ dựa vào vai trò của Chính phủ tài trợ cho mỗi trẻ một ngày, mà phải tăng lương cho người lao động. Nhưng các chủ doanh nghiệp không thấy có trách nhiệm tăng lương cho người lao động để các gia đình có đủ thu nhập để sinh và nuôi dạy được 2 con trong khi chính các đứa trẻ này là lao động tương lai cho các chủ doanh nghiệp. Họ không tăng lương cho người lao động để đáp ứng yêu cầu này”, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Từ những dẫn chứng về Nhật Bản và Hàn Quốc, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân rút ra bài học cho Việt Nam. Ông cho rằng: "Cần thiết phải thay đổi triết lý quản trị đất nước - không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu mà phải lấy hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc làm mục tiêu cao nhất, tăng trưởng kinh tế là một công cụ quan trọng. Chỉ khi đó, đất nước mới có đủ quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và trí tuệ để thay đổi chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, làm cho kết hôn và sinh con, sinh từ 2 con trở lên trở thành mong ước của mỗi người dân, của các chủ doanh nghiệp, trở thành cương lĩnh hành động của các đảng phái, là một thước đo bắt buộc của thành công với mỗi Chính phủ”.

>>Việt Nam vào top các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Bộ Y tế đề xuất giải pháp ứng phó

Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam tăng vọt trong quý III, nam cao gấp 1,3 lần nữ

Việt Nam lọt top già hóa dân số nhanh nhất thế giới - Cơ hội và thách thức

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-bao-dan-so-viet-nam-dat-46-trieu-nguoi-vao-nam-2200-254143.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dự báo dân số Việt Nam đạt 46 triệu người vào năm 2200
POWERED BY ONECMS & INTECH