Dự đoán hệ quả cắt giảm thuế quan với Mỹ
Việc đàm phán cắt giảm thuế quan với Mỹ mang lại cơ hội lớn về tăng trưởng và hiện đại hóa, nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Thành công của quá trình này không chỉ nằm ở việc mở rộng thị trường mà còn phụ thuộc vào cách mỗi quốc gia phân phối lợi ích, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và đảm bảo chủ quyền kinh tế trong dài hạn.
Những nước chuẩn bị tốt về thể chế, chiến lược và chính sách hỗ trợ sẽ là những bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển mới trong thương mại toàn cầu.
Trước bối cảnh thuế quan đối ứng cao và sự biến động trong trật tự thương mại toàn cầu, hơn 50 quốc gia đã bày tỏ thiện chí tham gia đàm phán thương mại với Mỹ. Dù động thái này có thể thúc đẩy quan hệ song phương và gia tăng lưu chuyển thương mại, nhưng nó cũng kéo theo nhiều hệ quả kinh tế và địa - chính trị rộng lớn hơn.
Doanh nghiệp nội địa có thể bị “nuốt chửng”
Việc giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp hàng hóa Mỹ tăng khả năng cạnh tranh rõ rệt tại các thị trường đối tác. Các lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế so sánh rõ nét như nông nghiệp, công nghệ, dược phẩm, ô tô… sẽ hưởng lợi đáng kể. Khi rào cản thuế quan được gỡ bỏ, hàng hóa Mỹ có thể tràn ngập thị trường với mức giá thấp hơn, gây áp lực cho các nhà sản xuất trong nước.
Người tiêu dùng tại các nước đối tác có thể được hưởng lợi từ hàng hóa chất lượng cao với giá cả phải chăng hơn. Tuy nhiên, các ngành sản xuất nội địa có thể bị thu hẹp hoặc phá sản nếu không đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng.
Tự do hóa thương mại thường song hành với tự do hóa đầu tư. Khi hàng hóa Mỹ dễ tiếp cận hơn, các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để xây dựng chuỗi cung ứng, thiết lập trung tâm khu vực hoặc khai thác thị trường tiêu dùng mới. Các lĩnh vực như logistics, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, sản xuất… là những lĩnh vực có khả năng dẫn đầu làn sóng đầu tư này.
Điều này có thể tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm gia tăng sự thống trị thị trường của các tập đoàn Mỹ tại nước sở tại, đặc biệt nếu thiếu hệ thống pháp lý mạnh mẽ để điều tiết, từ đó gây lo ngại về cạnh tranh, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và mất kiểm soát kinh tế.
Sự tràn ngập của hàng hóa và dịch vụ Mỹ với giá cạnh tranh có thể gây sức ép nặng nề cho các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn thiếu nguồn lực để thích ứng nhanh. Các doanh nghiệp này có thể bị sụt giảm doanh thu, mất thị phần hoặc phải rút lui khỏi thị trường.
Chính phủ các nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, như chương trình nâng cấp công nghiệp, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc trợ cấp mục tiêu, để các doanh nghiệp nội địa không bị “nuốt chửng”. Nếu không có cơ chế thích nghi hiệu quả, nguy cơ thất nghiệp và bất mãn xã hội có thể gia tăng, làm lu mờ lợi ích của hội nhập thương mại.
![]() |
Một nhà máy sản xuất giày ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia – nước có xuất siêu sang Mỹ. Ảnh: Khmer Times. |
Nguy cơ phụ thuộc thương mại và tổn thương chiến lược
Việc hạ thuế mạnh đối với hàng hóa Mỹ có thể làm gia tăng mức độ phụ thuộc kinh tế vào Mỹ. Dù điều này có thể giúp củng cố quan hệ song phương, nhưng cũng khiến các quốc gia đối tác dễ bị tổn thương nếu chính sách thương mại của Mỹ thay đổi bất ngờ, như từng thấy trong các giai đoạn bảo hộ thương mại hoặc điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc phụ thuộc quá mức vào một đối tác thương mại lớn có thể dẫn đến rủi ro về chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị. Do đó, cần đa dạng hóa quan hệ thương mại và củng cố các khuôn khổ thương mại đa phương để đảm bảo sự cân bằng và khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Việc mở cửa thương mại với Mỹ có thể được nhìn nhận như một bước đi chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu. Với các quốc gia Đông Nam Á, đây có thể là nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ trong khi đang cố gắng giữ thế cân bằng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Dù điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế, song cũng tiềm ẩn rủi ro về mặt ngoại giao nếu bị hiểu là “ngả về một phía”, “chọn phe”. Do đó, các quốc gia cần duy trì chính sách đối ngoại khôn khéo để không rơi vào thế đối đầu giữa các cường quốc.
![]() |
Hoạt động xuất nhập khẩu ở cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN. |
>> Chứng khoán Mỹ chao đảo vì cú sốc thuế quan, Dow Jones biến động kỷ lục trong phiên
Ông Trump tuyên bố giữ vững lập trường thuế quan nhưng gửi tín hiệu đàm phán 'có điều kiện'
Chứng khoán Mỹ chao đảo vì cú sốc thuế quan, Dow Jones biến động kỷ lục trong phiên