Đưa thuế về dưới 60%, Mỹ tung đòn kép ‘hạ nhiệt’ thương chiến với Trung Quốc
Chính quyền Trump đang xem xét khả năng cắt giảm đáng kể thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra cuối tuần này nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại và giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực mà cả hai nền kinh tế đã bắt đầu cảm nhận rõ.
Theo các nguồn tin thân cận, vòng đàm phán dự kiến diễn ra vào thứ Bảy tại Geneva, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chủ trì. Phía Mỹ đang đề xuất giảm thuế xuống dưới 60%, mức mà họ tin Bắc Kinh có thể chấp nhận “đáp lễ”.
Nếu đạt tiến triển trong hai ngày đàm phán, việc giảm thuế có thể được triển khai ngay trong tuần tới.
Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng đây chủ yếu là cuộc gặp mang tính thăm dò, tạo cơ hội cho hai bên nêu quan ngại hơn là kỳ vọng đạt được đột phá cụ thể. Diễn biến vẫn rất khó đoán, chưa có gì đảm bảo việc giảm thuế sẽ thực sự xảy ra trong ngắn hạn.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ là yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nam châm và thiết bị công nghiệp. Ngoài ra, Washington cũng kỳ vọng đàm phán riêng rẽ với Bắc Kinh về việc hạn chế xuất khẩu các tiền chất điều chế fentanyl – loại thuốc phiện tổng hợp đã gây ra làn sóng tử vong tại Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định mục tiêu của chính quyền là thúc đẩy chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và xây dựng quan hệ thương mại “công bằng và có đi có lại”. Ông cũng bác bỏ thông tin về các “mục tiêu” thuế cụ thể.

Hiện thuế quan Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng vọt lên mức 145%, tạo ra gánh nặng lớn cho người tiêu dùng và nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trong mùa hè. Trong bối cảnh này, ngay cả một đợt giảm thuế lớn cũng khó thể xoa dịu hoàn toàn thiệt hại kinh tế.
Tổng thống Trump hôm thứ Năm tuyên bố: “Thuế đã ở mức quá cao – 145%. Nó chắc chắn sẽ phải giảm xuống”. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng về “một cuối tuần tốt đẹp” với Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết mục tiêu của cả hai bên là “giảm leo thang” và đưa thuế trở về “mức nên có”. Ông nhấn mạnh: “Đó là kết quả mà Tổng thống mong muốn – một thế giới hạ nhiệt, hợp tác trở lại”.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực với tuyên bố của ông Trump. Chỉ số S&P 500 phục hồi trở lại mức trước khi ông công bố loạt thuế trả đũa vào đầu tháng 4 – thời điểm đã gây ra ngày tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ năm 2020.
Trung Quốc giữ thái độ dè dặt
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại ngày thứ Năm tiếp tục kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các mức thuế đơn phương và thể hiện “thiện chí đàm phán”. Ông Tống Hồng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – nhận định: “Mỹ là bên khơi mào chiến tranh thương mại, nên cũng cần là bên chủ động xuống thang. Nếu Mỹ giảm thuế xuống dưới 60%, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp lại nhanh chóng.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sẽ khó có khả năng dỡ bỏ toàn bộ thuế, do Washington vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. “Bắc Kinh đã thôi ảo tưởng về việc chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ thay đổi.”
Dù kỳ vọng không cao, việc hai bên quay lại bàn đàm phán vẫn được xem là tín hiệu tích cực.
“Washington và Bắc Kinh buộc phải tìm cách đồng tồn tại – nếu không, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc tách rời kinh tế nghiêm trọng”, chuyên gia Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đây mới chỉ là “một bước nhỏ trên hành trình 10.000 dặm”.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, thuế quan hiện tại sẽ khiến GDP Mỹ giảm 2,9% và đẩy lạm phát lõi tăng 1,7% trong vòng 2-3 năm. Nếu giảm một nửa, tác động cũng chỉ giảm một nửa – vẫn là gánh nặng lớn cho một nền kinh tế vừa suy giảm trong quý I.
Phía Trung Quốc, các đợt thuế có thể là nguyên nhân khiến ngành sản xuất sụt giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2023. Dù xuất khẩu tháng 4 vượt kỳ vọng, kim ngạch sang Mỹ lại giảm sâu – cho thấy tác động tiêu cực có thể sẽ rõ rệt hơn từ tháng này.
Không dễ đạt “thỏa thuận lớn”
Ngay cả khi hai bên đạt được đồng thuận về giảm thuế trong vài ngày tới, điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần một thỏa thuận toàn diện. Trong một cuộc họp kín tháng trước, ông Bessent cho biết có thể mất 2-3 năm để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.
Tại một phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần, khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán đã ở “giai đoạn nâng cao”, ông Bessent đáp: “Thứ Bảy tới, chúng tôi mới bắt đầu. Đó là điều hoàn toàn ngược lại”.
Cả hai bên đều đang phải đối mặt với áp lực nội bộ.
Tại Mỹ, ông Trump đang chịu sức ép từ dư luận về lạm phát và thị trường chứng khoán. Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình vấp phải làn sóng chủ nghĩa dân tộc kêu gọi không nhân nhượng trước sức ép từ Washington.
“Trở ngại lớn nhất cho một thỏa thuận chính là lòng kiêu hãnh của hai nhà lãnh đạo”, chuyên gia Andrew Collier tại Đại học Harvard nhận định. “Ông Trump đã hứa sẽ ‘giải quyết’ thâm hụt thương mại bằng thuế quan, còn ông Tập cần chứng tỏ với nội bộ rằng ông không mềm mỏng trước Mỹ”.
>> Phụ thuộc động cơ Mỹ, giấc mơ vượt Boeing của máy bay ‘Made in China’ trước nguy cơ 'gãy cánh'