Chuối, sầu riêng, bất động sản giúp nhiều đại gia phố núi Gia Lai lãi ngoạn mục sau giai đoạn khủng hoảng
Sau thời gian dài đối mặt nhiều khó khăn và biến cố, kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp này đang cho thấy nhiều tín hiệu thay đổi tích cực.
Trên sàn chứng khoán, ba doanh nghiệp nổi tiếng đến từ phố núi Gia Lai gồm CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) của bầu Đức, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Như Loan và doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, cùng CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) của ông Bùi Pháp.
Sau thời gian dài đối mặt nhiều khó khăn và biến cố, kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp này đang cho thấy nhiều tín hiệu thay đổi tích cực.
Hoàng Anh Gia Lai 3 năm liên tiếp lãi nghìn tỷ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong quý IV/2024, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Mảng nông nghiệp "nở hoa" với 2 loại trái cây chủ lực là chuối và sầu riêng tiếp tục đóng góp chủ lực với 1.248 tỷ đồng, tiếp đến là chăn nuôi heo mang về 159 tỷ đồng, một số mảng kinh doanh khác đem lại doanh thu khoảng 100 tỷ.
Nhờ giảm được chi phí, lợi nhuận gộp của HAGL tăng mạnh lên 587 tỷ đồng, đạt biên lãi gộp 39%, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ đạt 146 tỷ đồng với biên lãi gộp 10%. Sau khi trừ các khoản khác, công ty báo lãi sau thuế 205 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do trong quý IV/2023, HAGL được xóa khoản lãi vay lên đến 1.425 tỷ đồng, dẫn tới con số lợi nhuận cao đột biến.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Lũy kế cả năm 2024, HAGL đạt doanh thu 5.694 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.057 tỷ đồng. Dù thấp hơn mức 1.782 tỷ đồng của năm 2023, đây vẫn là năm thứ 4 liên tiếp HAGL báo lãi và là năm thứ 3 liên tiếp ghi nhận lãi nghìn tỷ sau giai đoạn dài thua lỗ nặng nề.
Tại thời điểm cuối năm 2020, HAGL từng lỗ lũy kế tới 6.300 tỷ đồng và gánh nợ vay khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế chỉ còn 425 tỷ đồng, nợ vay giảm xuống khoảng 7.000 tỷ đồng, giúp tập đoàn giảm bớt áp lực tài chính đáng kể.
Hiện nay, bầu Đức đang tập trung tối đa nguồn lực cho mảng nông nghiệp, đặc biệt là sầu riêng và chuối. Tại một buổi gặp gỡ cổ đông mới đây, bầu Đức cho biết trong 2 năm qua, diện tích trồng sầu riêng đã tăng gấp đôi lên 2.000ha, trải dài từ Việt Nam sang Lào. Đối với chuối, diện tích cũng tăng 40% so với năm 2022, đạt 7.000ha. HAGL dự kiến thu hoạch 600ha sầu riêng trong năm 2025.
Quốc Cường Gia Lai lãi lớn trong năm đầu ông Nguyễn Quốc Cường làm CEO
Tháng 7/2024, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La) được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai thay mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Như Loan, người bị khởi tố liên quan đến vụ chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Đến tháng 11/2024, bà Loan được thông báo tại ngoại và giữ vai trò cố vấn cho công ty trong việc xử lý các dự án dang dở. Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Quốc Cường, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong năm 2024.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Trong quý IV/2024, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu 486 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, bất động sản khởi sắc giúp doanh thu mảng này chiếm 81% tổng doanh thu, đạt mức tăng đột biến gấp 5,5 lần cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, công ty báo lãi sau thuế 63 tỷ đồng, tăng 360% so với mức 14 tỷ đồng quý IV/2023.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai đạt 729 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần so với năm trước, đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Tuy nhiên, công ty vẫn đối mặt với khoản tiền liên quan đến vụ kiện Vạn Thịnh Phát. Tòa án đã tuyên Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng liên quan hợp đồng dự án Phước Kiển. Bảng cân đối kế toán quý IV/2024 cho thấy khoản nợ này vẫn chưa được thanh toán.
>> Quốc Cường Gia Lai (QCG) bất ngờ trả nợ 400 tỷ đồng cho 2 công ty ‘quen thuộc’
Đức Long Gia Lai lãi kỷ lục
Đại gia phố núi khác là CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) do ông Bùi Pháp làm Chủ tịch HĐQT cũng vượt khó và ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024.
Trong quý IV/2024, DLG đạt doanh thu thuần gần 217 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập khác lên tới 315,6 tỷ đồng, chủ yếu từ tất toán nợ gốc và được ngân hàng miễn giảm lãi vay, công ty báo lãi sau thuế 125 tỷ đồng mức cao nhất trong lịch sử.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
>> Từng bị yêu cầu phá sản vì nợ tiền tỷ, Đức Long Gia Lai (DLG) bất ngờ báo lãi cao kỷ lục
Trước đó, trong quý III/2024, công ty cũng ghi nhận lãi 64 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính từ việc thoái vốn công ty con Mass Noble, mang về gần 130 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2024, Đức Long Gia Lai lãi ròng 250 tỷ, cải thiện tích cực sau khi liên tục lỗ 578 tỷ ở năm 2023 và 1.197 tỷ ở năm 2022.
Dù vậy, tới cuối năm 2024 công ty vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế 2.450 tỷ đồng. Đặc biệt, các năm trước công ty thường bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và có nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ. Con số lãi ở năm 2024 cho thấy tín hiệu tích cực nhưng chưa được kiểm toán, nếu báo cáo kiểm toán tiếp tục có ý kiến ngoại trừ, cổ phiếu DLG sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE.
Từng bị yêu cầu phá sản vì nợ tiền tỷ, Đức Long Gia Lai (DLG) bất ngờ báo lãi cao kỷ lục
Quốc Cường Gia Lai (QCG) bất ngờ trả nợ 400 tỷ đồng cho 2 công ty ‘quen thuộc’