Với các khoản lỗ trong 4 năm gần nhất, đến hết ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế của Đức Long Gia Lai (Mã DLG) tăng lên mức 1.747 tỷ đồng - gấp 2 lần mức ghi nhận hồi đầu năm.
Theo báo cáo quý 4/2022 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã DLG - HOSE) với doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng - tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận gộp đạt 65 tỷ đồng - giảm so với mức 74 tỷ YoY.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên 521,51% đạt 491 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Đức Long Gia Lai lỗ ròng 504 tỷ đồng trong quý 4/2022 trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ thua lỗ 10 tỷ. Đáng nói, đây đã là quý lỗ thứ 3 liên tiếp và là quý lỗ thứ 8 trong tổng số 3 năm COVID-19 mã DLG ghi nhận.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 1.346 tỷ đồng - giảm 13,1% so với năm 2021; lỗ ròng quay trở lại với 885 tỷ đồng. Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, công ty lỗ lần lượt 7,4 tỷ và 930 tỷ đồng.
Với các khoản lỗ này, đến hết ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế của Đức Long Gia Lai tăng lên mức 1.747 tỷ đồng - gấp 2 lần mức ghi nhận hồi đầu năm.
Về dòng tiền, lưu chuyển dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 của DLG đạt 125 tỷ đồng, so với năm 2021 là 251 tỷ đồng. Nhờ có dòng tiền thu hồi từ hoạt động cho vay, hoạt động đầu tư góp vốn và lãi cho vay gánh cho các chi phí, dòng tiền đầu tư năm 2022 của DLG đạt 74 tỷ trong khi năm 2021 âm 13 tỷ đồng.
Ngược lại, dòng tiền tài chính của DLG ghi nhận con số âm 217 tỷ đồng.
Kết năm 2022, tổng tài sản của DLG giảm 1.170 tỷ so với đầu năm về mức 5.901 tỷ đồng trong đó tài sản ngắn hạn hụt từ 2.333 tỷ đồng xuống còn 1.935 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn.
Nợ phải trả của Đức Long Gia Lai giảm từ 4.751 tỷ đồng xuống còn 4.492 tỷ trong đó vay nợ tài chính ở mức 2.970 tỷ - chiếm 66% tổng nợ. Trong số này, công ty đã thông qua ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành gần 500 tỷ đồng trái phiếu.
Thuyết minh chi tiết nợ vay của Đức Long Gia Lai |
Hồi giữa tháng 1/2023, Đức Long Gia Lai từng có thông báo về tinh hình thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu 30122017-01 phát hành ngày 30/12/2017 (kỳ hạn 5 năm - giá trị 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần).
Lô trái phiếu đã đáo hạn vào ngày 30/12/2022 - là kỳ hạn thanh toán cả gốc và lãi. Tuy nhiên, theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.
DLG cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật. Lý do chậm thanh toán là “bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ”.
Trở lại với tình hình tài chính năm 2022 của DLG, do làm ăn thua lỗ và dòng tiền tài chính chủ yếu phục vụ cho việc trả nợ vay, vốn chủ sở hữu của DLG giảm mạnh 2.318 tỷ đồng xuống còn 1.408 tỷ đồng. Việc nợ phải trả được duy trì ở mức ổn định và vốn chủ sở hữu giảm mạnh đã đưa hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu đã tạo nên một khoảng cách lớn với 3,19 lần trong khi đó năm 2021 chi có 2,04 lần.
Đáng nói hồi tháng 10/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tiến hành rao bán gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180 m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP. Đà Nẵng của Đức Long Gia Lai tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Giá bán tối thiểu được VietinBank đưa ra là hơn 48 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại Vietinbank.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG hiện giao dịch tại mức 2.350 đồng (kết phiên 1/2/2023), thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 1,2 triệu đơn vị. Đáng nói, mã hiện vẫn đang nằm trong diện chứng khoán bị cảnh báo trên sàn HOSE kể từ giữa tháng 4/2022 do tình trạng lỗ lũy kế.
Diễn biến giá cổ phiếu DLG |