Năm 2023, lợi nhuận của Heineken Việt Nam đạt khoảng 5.200 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Heineken tại Việt Nam có thể giảm gần một nửa trong năm 2023, dựa trên phần cổ tức mà Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nhận được.
Theo đó, Satra ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 9.791 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022, tuy nhiên lãi gộp giảm tới 25% về còn 1.069 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm đến 47% chỉ đạt 2.734 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng của Satra ở mức 2.258 tỷ đồng, giảm 55% so với năm trước, đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 10 năm qua của doanh nghiệp.
Tuy Satra không cung cấp chi tiết từng công ty liên kết, lần gần nhất doanh nghiệp này thuyết minh là cuối tháng 6/2022, với 20 đơn vị.
Nguồn: BCTC Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) năm 2023 |
Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết của Satra chủ yếu đến từ Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), hai liên doanh chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối các sản phẩm của Tập đoàn Heineken tại Việt Nam. Satra hiện đang nắm 40% vốn của 2 doanh nghiệp này, phần còn lại do Heineken sở hữu. Trong giai đoạn 2016-2021, hai đơn vị này đã đóng góp 2.600-3.200 tỷ đồng cổ tức cho Satra mỗi năm, chiếm trung bình hơn 75% tổng lợi nhuận từ công ty liên doanh và liên kết.
Ước tính, năm 2023, mảng kinh doanh Heineken Việt Nam mang về khoảng 2.000 tỷ đồng cổ tức, dựa trên tỷ lệ đóng góp này. Theo đó, lợi nhuận của Heineken Việt Nam có thể đạt khoảng 5.200 tỷ đồng, giảm đến 47% so với năm 2022.
Liên doanh Heineken Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 1991 với nhà máy đầu tiên tại TP HCM. Hiện nay, công ty có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên, sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Bivina, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss tại Việt Nam.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken cũng phản ánh xu hướng tương tự, với sản lượng bia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm hơn 10% trong năm 2023 và lợi nhuận hoạt động giảm 20%, chủ yếu do thị trường Việt Nam. Tập đoàn này cho rằng khó khăn kinh tế chung và chính sách siết chặt nồng độ cồn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với Nigeria, Việt Nam là một trong hai thị trường lớn khiến sản lượng bia toàn cầu của Heineken giảm gần 5%.
Không chỉ Heineken, nhiều doanh nghiệp sản xuất bia khác cũng gặp khó khăn tương tự. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chính sách kiểm soát nồng độ cồn đã khiến tiêu dùng bia giảm mạnh, đặc biệt là ở các nhà hàng và quán ăn. Hiệp hội này ước tính ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, sau khi đã chịu tăng trưởng âm 7% trong năm 2022.
Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco đang thống lĩnh ngành bia Việt. Ảnh: VPBankS |
Hai "ông lớn" khác trong ngành bia cũng báo cáo lợi nhuận giảm sâu. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%, trong khi Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lãi 355 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước.
Ngoài chính sách kiểm soát nồng độ cồn, ngành bia còn chịu tác động từ việc người dân thắt chặt chi tiêu và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Trong tương lai, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được thông qua, với nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, các doanh nghiệp ngành bia sẽ càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Diễn biến gần đây, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang tích cực làm việc với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam để kiến nghị Chính phủ thiết lập một giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) hợp lý. Hiện tại, quy định không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe đang tạo áp lực lớn lên ngành kinh doanh bia. Đồng thời, SAB và các công ty trong ngành cũng đề xuất hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân, theo báo cáo phân tích của VPBankS.
>> Sabeco kiến nghị thiết lập giới hạn nồng độ cồn hợp lý khi lái xe, đề xuất bỏ quy định hiện hành