'Lão tướng' ngành bia Việt đang tụt dốc không phanh, chi đậm cho quảng cáo để nhận về khoản lỗ kỷ lục

30-04-2024 19:30|Mai Chi

Công ty này từng 'vang bóng' với bia hơi uống trong cốc thủy tinh phủ khắp phố phường Hà Nội.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã CK: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu tăng trưởng 12% so với cùng kỳ đạt 1.308 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 266 tỷ đồng, tăng 8,5% so với quý I/2023.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của Habeco đạt 37,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi tiền gửi lên tới 37,7 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Lãi tiền gửi của Habeco giảm trong bối cảnh lãi suất huy động hệ thống ngân hàng về mức thấp kỷ lục 20 năm. Công ty có gần 3.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối tháng 3/2024.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của Habeco quý này là 92 tỷ đồng tăng 8% so với cùng kỳ.

Phải kể đến là khoản chi phí bán hàng khi tăng 13% lên mức 230 tỷ đồng, trong đó chi phí quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ tăng vọt 40% lên tới 105 tỷ. Đây cũng là khoản chi mà hầu hết các doanh nghiệp ngành bia phải chấp nhận xuống tiền mạnh tay hơn trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt 'hầu bao' và tác động của nghị định 100 vẫn mạnh mẽ.

Tổng kết lại, hết quý I Habeco lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ 3,7 tỷ đồng). Đây là khoản lỗ theo quý lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của Habeco.

'Lão tướng' ngành bia Việt đang tụt dốc không phanh, chi đậm cho quảng cáo để nhận về khoản lỗ khủng
Kết quả kinh doanh của Habeco qua các quý. Đơn vị: tỷ đồng

Về kế hoạch cả năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 6.543 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Còn lợi nhuận trước thuế 248 tỷ đồng, bằng 58,6% so với cùng kỳ. Như vậy hết quý I, công ty đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu.

Cũng tương tự như bánh mì, bia du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 thông qua người Pháp. Cụ thể, ông Alfred Hommel đã thành lập xưởng bia đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1890. Đến năm 1957, nhà máy bia Hommel thuộc về quyền kiểm soát của nhà nước, chính thức trở thành nhà máy bia Hà Nội, là tiền đề của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ngày nay. Vào năm 1960, nhà máy bia Hà Nội đã cho ra đời một tuyệt phẩm làm say lòng bao thế hệ người Việt. Đó chính là bia hơi.

Những cốc bia '3 hào' đã từng là thú vui của nhiều người lao động mỗi chiều tan làm và dần trở thành 1 nét đặc trưng của Hà Nội, người dùng sẽ được phục vụ bia mát lạnh sánh bọt mịn trong những cốc thủy tinh dày, trên các con phố sẽ luôn thấp thoáng biển hiệu ‘Bia hơi Hà Nội’ trên nền đỏ vàng bắt mắt. Habeco đã tạo ra các huyền thoại Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội và Bia Trúc Bạch để từ đó dẫn đầu ngành bia toàn miền Bắc.

Tuy nhiên, theo thời gian Habeco cho thấy sự 'hụt hơi' trước sự đổ bộ của các thương hiệu ngoại nổi tiếng như Heineken, Budweiser, Carlberg, Corona...Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19, quy định về 'nồng độ cồn' và thói quen tiêu dùng dần thay đổi của người dân chính là những trở ngại liên tiếp cho Habeco nói riêng và ngành bia Việt nói chung.

'Lão tướng' ngành bia Việt đang tụt dốc không phanh, chi đậm cho quảng cáo để nhận về khoản lỗ khủng
Diễn biến giá cổ phiếu BHN

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BHN cũng đang 'neo' ở đáy kể từ khi niêm yết, vốn hóa thị trường thấp nhất từ trước tới nay ở mức 8.800 tỷ đồng,.

>> Bia Hà Nội (Habeco) chuẩn bị nộp phạt khoản tiền 'khủng' lên tới 20 tỷ

Bia Hà Nội (Habeco) chuẩn bị nộp phạt khoản tiền 'khủng' lên tới 20 tỷ

Miền Trung nắng trên 40 độ, một doanh nghiệp sàn HoSE sắp tri ân 'ngụm bia' cổ tức bằng tiền

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lao-tuong-nganh-bia-viet-dang-tut-doc-khong-phanh-chi-dam-cho-quang-cao-de-nhan-ve-khoan-lo-ky-luc-232963.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Lão tướng' ngành bia Việt đang tụt dốc không phanh, chi đậm cho quảng cáo để nhận về khoản lỗ kỷ lục
    POWERED BY ONECMS & INTECH