Dừng khai thác cầu treo dài hơn 200m bắc qua dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam
Sau hơn 8 năm khai thác, cây cầu treo này được cho dừng khai thác để đảm bảo an toàn cho người dân.
UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản về việc dừng khai thác và sử dụng cầu treo bắc qua sông Đồng Nai. Cây cầu này đã nhiều năm qua giúp người dân đi lại giữa các xã Thanh Sơn và Ngọc Định, huyện Định Quán.
Sau khi xem xét và thống nhất, các cơ quan chức năng quyết định tạm dừng sử dụng cầu treo này để đảm bảo an toàn. Hiện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Định Quán đã tiến hành hàn kín hai đầu cầu, đồng thời phối hợp với UBND các xã Thanh Sơn và Ngọc Định tuyên truyền cho người dân về quyết định này.
Người dân được hướng dẫn chuyển sang sử dụng cầu Thanh Sơn để qua sông Đồng Nai thay vì tiếp tục lưu thông qua cầu treo.
Cầu treo dây võng Thanh Sơn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2016, với chiều rộng 3m và chiều dài hơn 200m. Công trình có tổng kinh phí xây dựng trên 13 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Đến năm 2021, khu vực này đã có thêm cầu Thanh Sơn mới, được xây bằng bê tông cốt thép. Cây cầu bê tông này thuộc nhóm dự án B, dài hơn 198m với 6 nhịp dầm, bề rộng cầu 9m và mặt cầu rộng 7m, cho phép lưu thông với vận tốc tối đa 60km/h. Tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 138 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Với sự hiện diện của cầu Thanh Sơn bê tông cốt thép, địa phương quyết định ngừng khai thác cầu treo cũ để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa lũ khi mực nước sông Đồng Nai thường xuyên dâng cao.
Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam. Con sông khởi nguồn từ những con suối nhỏ trên cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng), với dòng chảy mang theo phù sa màu mỡ, sông Đồng Nai đã bồi đắp và nuôi dưỡng vùng đất Nam Bộ trù phú. Dòng sông này đi qua 10 tỉnh, thành phố, gồm Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Đắk Nông, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành nên một lưu vực rộng lớn thứ ba cả nước với diện tích 36.350 km², chỉ đứng sau sông Cửu Long và sông Hồng. |