Để chuyển đổi số doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc của người đứng đầu. Song song đó, phải xây dựng được một đội ngũ linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ số.
Sau 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đến năm 2023, nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp thách thức lớn khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong nửa đầu năm 2023, đã có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa. Trung bình có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Thực tế này khiến các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với việc thắt chặt chi phí và thay đổi nhân sự. Lời giải cho bài toán này chỉ có thể là chuyển đổi số.
Chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp văn phòng số” được tổ chức sáng 21/7, ông Alexander Evchenko, CEO 1C Việt Nam, đồng thời là chuyên gia tư vấn giải pháp chuyển đổi số thị trường châu Âu và Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn trong việc khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, tối ưu hóa chi phí vận hành.
“Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình hoạt động, dẫn đến thiếu giao tiếp và tương tác kém hiệu quả trong công tác liên phòng ban”, ông Alexander Evchenko đưa ra nhận định.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Alexander cho biết: “Theo kinh nghiệm tôi thấy, các CEO tại Việt Nam thường ủy thác việc chuyển đổi số cho bộ phận CNTT. Điều này đã gây cản trở tiến độ, trong khi chính họ phải là người chủ động dẫn dắt và tham gia vào quá trình này”.
Một thách thức phổ biến khác là các doanh nghiệp đôi khi tích hợp không hiệu quả giữa các giải pháp số hóa của họ. Đối với các công ty có hệ thống quản lý nội bộ đã lỗi thời hoặc công nghệ vẫn còn ở giai đoạn đầu, việc tích hợp có thể phức tạp và không hiệu quả.
Thách thức thứ ba mà các doanh nghiệp nên xem xét là việc chuyển đổi số cần phải song hành với phương thức số hóa. Các công ty cần đảm bảo hoạt động kinh doanh nội bộ của họ được tối ưu hóa trước khi áp dụng công nghệ để tự động hóa công việc.
Theo vị chuyên gia này, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và tốn kém. Điều quan trọng nhất trước khi doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình là phải tối ưu các hoạt động.
“Chuyển đổi số là tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và áp dụng công nghệ song song với nhau. Nếu tự động hóa sự hỗn loạn sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền của mọi sự hỗn loạn”, CEO 1C Việt Nam khẳng định.
Để vận hành hiệu quả, trước tiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thử nghiệm chuyển đổi số bằng một số công cụ đơn giản nhằm có được những đánh giá và hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng. Điều này nên được thực hiện trước khi áp dụng các công nghệ phức tạp hơn trên quy mô lớn hơn.
Theo ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc khối tư vấn công nghệ số tại FPT Digital, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số dựa trên sự bền vững là cơ hội quý giá để Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sang nền kinh tế phát triển.
Để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển được năng lực thích ứng linh hoạt trong thời đại số. Trong đó, điều kiện cần thiết để xây dựng được một đội ngũ linh hoạt và sẵn sàng cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp là phải thường xuyên đào tạo, bổ sung năng lực để người lao động có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại số.
“Công thức để phát triển năng lực thích ứng trong thời đại số là thiết lập môi trường cộng tác và quản trị số, cộng với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ và sự am hiểu của cộng đồng”, Giám đốc khối tư vấn công nghệ số FPT Digital chia sẻ.