Được Hyundai rót 500 triệu USD, láng giềng Việt Nam quyết tâm trở thành cường quốc xe điện Đông Nam Á
Malaysia đang quyết tâm tạo bước chuyển mình trong ngành công nghiệp ô tô khi vừa tiếp nhận khoản đầu tư 500 triệu USD từ tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện.
Thủ tướng Malaysia - Anwar Ibrahim khẳng định dự án này sẽ giúp Malaysia trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu Đông Nam Á. Theo thỏa thuận mới được công bố, Hyundai sẽ xây dựng nhà máy tại Kulim, bang Kedah, với khả năng lắp ráp tối đa bảy mẫu xe khác nhau.
Đây được xem là động thái chiến lược của Malaysia trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tác động mạnh đến nhiều ngành công nghiệp. Chính phủ Malaysia đang tích cực tìm kiếm các đối tác và thị trường mới để giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Trước đó, vào tháng 10, Malaysia đã trở thành 1 trong 13 đối tác chính thức của khối BRICS, với mục tiêu mở rộng quan hệ kinh tế và giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Nhà máy của Hyundai tại Malaysia sẽ là cơ sở thứ hai của hãng tại Đông Nam Á, sau nhà máy tại Indonesia được thành lập năm 2022 với công suất 250.000 xe/năm. Đáng chú ý, hãng còn có kế hoạch sản xuất cả các mẫu xe điện và xe tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu về dự án, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho rằng đây là cơ hội để Malaysia xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện, nhằm khẳng định vị thế của quốc gia trong khu vực ASEAN.
Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành công nghiệp ô tô Malaysia, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và sự chuyển dịch nhanh chóng của ngành công nghiệp ô tô, Đông Nam Á đang chứng kiến những thay đổi đáng kể về chiến lược sản xuất và đầu tư.
Tập đoàn Nissan của Nhật Bản vừa thông báo một quyết định gây chú ý: cắt giảm khoảng 1.000 việc làm tại Thái Lan - quốc gia từng được coi là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan xác nhận tổng sản lượng sản xuất ô tô đã giảm mạnh hơn 25% trong tháng 9, với lượng xe xuất xưởng sụt giảm gần 11%. Con số này phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xe chạy xăng sang xe điện.
Trong bối cảnh đó, Malaysia đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Mới đây, ông đã công bố kế hoạch của tập đoàn OCI Holdings về việc tăng cường đầu tư sản xuất polysilicon, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng mặt trời.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hàn Quốc kể từ khi nắm quyền đã giúp ông Anwar mở rộng các mối quan hệ chiến lược. Thông qua các bài đăng trên mạng xã hội có nhạc nền K-pop, ông nhấn mạnh mối quan hệ đối tác toàn diện, từ công nghệ bán dẫn đến năng lượng tái tạo, chế biến đất hiếm và thậm chí cả ngành công nghiệp halal phục vụ người tiêu dùng Hồi giáo.
"Cam kết của Hàn Quốc đối với Malaysia rất đáng phấn khởi", Thủ tướng Anwar nhận định. "Điều này cho thấy sự tin tưởng vào sự ổn định của chúng tôi cũng như vai trò là điểm đến đầu tư chiến lược."
Chiến lược "Hướng Đông" của Malaysia - tập trung vào Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) - không phải là một sáng kiến mới. Đây là bước đi được hoạch định từ những năm 1980, giúp quốc gia này chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Các số liệu kinh tế cho thấy mối quan hệ giữa Malaysia và Hàn Quốc đang ở mức đỉnh cao. Tính riêng 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã đạt 91,1 tỷ ringgit (tương đương 20,4 tỷ USD). Các công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào 616 dự án với tổng giá trị 61 tỷ ringgit, cho thấy sự tin tưởng sâu sắc vào tiềm năng của thị trường Malaysia.
Sự chuyển đổi không chỉ diễn ra ở Malaysia. Toàn bộ khu vực Đông Nam Á đang nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng với cuộc cách mạng xe điện.
Theo SCMP
Quốc gia Đông Nam Á được ‘chọn mặt gửi vàng’ để mở nhà máy vaccine trị giá 595 triệu USD
Đón dòng vốn tỷ đô từ Trung Quốc, Thái Lan dẫn đầu cuộc đua xe điện ở Đông Nam Á