Đón dòng vốn tỷ đô từ Trung Quốc, Thái Lan dẫn đầu cuộc đua xe điện ở Đông Nam Á
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm BYD, GAC Aion và Chery, đang đầu tư ít nhất 1,4 tỷ USD vào các nhà máy ô tô tại Thái Lan để thách thức các thương hiệu truyền thống của Nhật Bản tại thị trường Đông Nam Á.
Tại sao Thái Lan là “thỏi nam châm” hút mạnh các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc?
Narong Yuenyonghattaporn, một công chức đã nghỉ hưu ở Bangkok, đã mua một chiếc ô tô điện do GAC Aion sản xuất vào đầu năm nay. Ông là một trong số ngày càng nhiều tài xế Thái Lan mua xe điện (EV) do các công ty ô tô Trung Quốc bán ra nhưng được sản xuất tại “xứ sở Chùa Vàng”.
Thái Lan đã trở thành một trong những tuyến đầu trong cuộc chiến giành quyền thống trị thị trường ô tô toàn cầu.
Trong hai năm qua, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bao gồm BYD, GAC Aion và Chery đã công bố kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất tại Thái Lan. Các nhà máy của BYD và GAC Aion đã bắt đầu hoạt động vào tháng 7 và cho đến nay, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nhà máy ô tô Thái Lan đã lên tới ít nhất 1,4 tỷ USD.
>> Quy định mới dự kiến ban hành khiến công nghệ ô tô Trung Quốc “hết cửa" vào Mỹ
Chiếc ô tô điện của ông Narong là 1 trong số 80.000 xe điện chạy bằng pin được Hiệp hội xe điện Thái Lan dự kiến đăng ký trong năm nay. Năm ngoái, Thái Lan đã đăng ký 76.739 xe sử dụng hoàn toàn động cơ điện để vận hành (BEV), theo dữ liệu của Chính phủ, gấp 6,5 lần so với năm 2022.
Mặc dù tốc độ chuyển đổi từ xe xăng sang sử dụng xe điện ở Thái Lan đã chậm lại trong năm nay, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng đây là một phần của xu hướng đang phát triển.
Các công ty ô tô Trung Quốc, dẫn đầu là BYD, đang thâm nhập vào các thị trường từ lâu đã bị các nhà sản xuất ô tô đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức thống trị. Kể từ khoảng năm 2020, các thương hiệu ô tô đến từ “đất nước tỷ dân”, đặc biệt là các nhà sản xuất xe điện, đã mở rộng ra thị trường quốc tế để tìm kiếm thêm doanh thu khi sự cạnh tranh khốc liệt và tình trạng cung vượt cầu trong nước đang làm giảm thị phần của họ.
Nhưng với những rào cản địa chính trị đã cản trở việc theo đuổi người mua xe ở châu Âu và Bắc Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tích cực thâm nhập vào các thị trường có thu nhập trung bình như Thái Lan, Indonesia, Brazil, Malaysia và Argentina. Đây là những nơi thường không có “nhà vô địch sản xuất ô tô” trong nước nào nổi trội và các Chính phủ quốc gia đó có mối quan hệ khá thân thiện với Bắc Kinh.
>> Hàng loạt hãng xe lên tiếng về lệnh cấm công nghệ Trung Quốc của Chính phủ Mỹ
Tại Thái Lan, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang bắt đầu thách thức các thương hiệu Nhật Bản vốn đã thống trị thị trường ô tô ở đất nước Đông Nam Á này từ lâu. Các thương hiệu Trung Quốc đã mua các biển quảng cáo khổng lồ trên các xa lộ giữa Sân bay Suvarnabhumi và Bangkok.
Ở Bangkok, ngày càng nhiều showroom hiện trưng bày ô tô đến từ Trung Quốc, trong khi các cơ sở sản xuất xe điện Trung Quốc chỉ cách Bangkok chưa đầy 2 giờ lái xe. Khi hoạt động hoàn toàn, các cơ sở xe điện Trung Quốc này có thể cùng nhau tăng sản lượng để xuất xưởng ít nhất 320.000 xe mỗi năm.
“Có một vài điều khiến Thái Lan trở nên hấp dẫn”, Eugene Hsiao, Giám đốc chiến lược cổ phiếu và ô tô Trung Quốc tại Macquarie có trụ sở tại Hồng Kông cho biết. “Đầu tiên và rõ ràng nhất là Thái Lan là một quốc gia tương đối thân thiện với Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Thứ hai là chuỗi cung ứng ô tô đã phát triển khá tốt. Về cơ bản, điều đó đã được người Nhật Bản thực hiện trong lịch sử”.
Người phát ngôn của GAC Aion Thái Lan cho biết vị trí trung tâm của Thái Lan trong khu vực khiến quốc gia này trở thành cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á rộng lớn hơn và bản thân Thái Lan cũng có thị trường ô tô trong nước lớn so với phần còn lại của khu vực.
Giống như ở Thái Lan, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đầu tư trên toàn cầu. Dẫn đầu bởi các thương hiệu đã thành danh như BYD, SAIC và Chery, họ đang lắp ráp ô tô trong nước để được hưởng ưu đãi hoặc tránh thuế quan.
Trong khi Brazil đã khôi phục thuế nhập khẩu đối với xe điện bất kể nguồn gốc, Chính phủ cũng có một chương trình khuyến khích các công ty giảm phát thải carbon và các công ty ô tô có thể đủ điều kiện được hoàn thuế dựa trên hiệu quả năng lượng của các mẫu xe và mật độ sản xuất tại địa phương. Sản xuất tại Hungary có khả năng cho phép xe điện Trung Quốc bỏ qua thuế quan của EU và tại Malaysia, mặc dù có các thương hiệu ô tô địa phương, Chính phủ vẫn miễn thuế cho xe điện lắp ráp tại địa phương.
Ông Hsiao cho biết có một chiến lược rõ ràng đằng sau việc lựa chọn các quốc gia mà các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ thành lập cơ sở sản xuất. Trong trường hợp này, lớn hơn không nhất thiết có nghĩa là tốt hơn.
“Những thị trường tốt nhất xét về GDP bình quân đầu người sẽ là những thị trường phát triển lớn, tức là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Những thị trường đó là những thị trường khép kín nhất, bạn có thể lập luận như vậy”, ông nói. Nhưng vẫn có “những thị trường khác nhỏ hơn nhưng có ý nghĩa” đối với các thương hiệu ô tô Trung Quốc.
Bắc Kinh đã xác định ngành xe điện là một ngành công nghiệp mới nổi chiến lược xứng đáng được Nhà nước hỗ trợ hơn một thập kỷ trước, bằng cách trợ cấp cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Có tới 500 công ty xe điện tại nước này ở một thời điểm, nhưng sự cạnh tranh và việc dần dần loại bỏ trợ cấp đã thúc đẩy sự hợp nhất.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống từ châu Âu và Hoa Kỳ đang phải vật lộn để cạnh tranh hoặc bắt kịp các sản phẩm xe điện của Trung Quốc ở mức giá thấp hơn. Điều đó đã làm giảm lợi nhuận ròng của họ, với việc Volkswagen vào cuối tháng 10 đã công bố kế hoạch cắt giảm lương nhân viên và đóng cửa các nhà máy.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng chậm chuyển đổi sang xe điện hơn và nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này, Toyota, cho rằng quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ không diễn ra nhanh như dự kiến và họ vẫn đặt cược vào xe hybrid (xe chạy được cả bằng xăng lẫn điện).
Chiến lược đó dường như đang hiệu quả với Toyota cho đến nay, khi hãng vẫn giữ được danh hiệu là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Dữ liệu từ công ty này trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy họ đã bán được gần 3 triệu xe hybrid, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ngành sản xuất ô tô chiếm 10% GDP của Thái Lan và đóng góp khoảng 850.000 việc làm. Lịch sử sản xuất ô tô của Thái Lan bắt đầu từ những năm 1960, khi các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota, Nissan và Mitsubishi mở các cơ sở sản xuất tại quốc gia này. Không lâu sau đó, các thương hiệu Mỹ và châu Âu cũng theo chân.
Ngay từ đầu, Thái Lan đã dựa rất nhiều vào các ưu đãi và thuế quan để biến mình thành một trung tâm sản xuất ô tô khu vực Đông Nam Á. Nước này đã bắt đầu chính sách thay thế nhập khẩu để thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài bằng hàng sản xuất trong nước cho ngành công nghiệp ô tô vào những năm 1960, thu hút các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thành lập các cơ sở sản xuất tại nước này.
Hiệp định thương mại của Thái Lan với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô được hưởng mức thuế xuất khẩu thấp hơn khi bán trong khu vực. Thuế nhập khẩu cao của Chính phủ Thái Lan lên tới 80% đối với xe chở khách và 30% đối với xe bán tải càng khuyến khích các nhà sản xuất ô tô tiếp tục sản xuất tại Thái Lan.
Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang đặt cược rằng xe điện sẽ giúp nước này duy trì vị thế là “Detroit của Đông Nam Á”.
Bangkok có kế hoạch “30@30”, với mục tiêu 30% ô tô sản xuất là xe điện vào năm 2030. Đầu năm 2022, Thái Lan đã phê duyệt một gói ưu đãi để thúc đẩy việc áp dụng xe điện trong nước, với mục tiêu cuối cùng là biến Thái Lan thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực.
Các khoản đầu tư hữu hình vào sản xuất từ các công ty Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quyết định của người mua như Narong, một công chức đã nghỉ hưu. Vì các công ty này đã thành lập các nhà máy lắp ráp tại Thái Lan nên linh kiện dễ kiếm hơn và việc bảo dưỡng cũng dễ dàng hơn, giúp ông yên tâm hơn về độ tin cậy của xe Trung Quốc. Một mối quan hệ địa chính trị ít căng thẳng hơn cũng có thể khiến những khách hàng như ông cởi mở hơn trong việc cho xe Trung Quốc một cơ hội.
“Họ cũng sản xuất rất nhiều xe điện để phục vụ thị trường của họ và Chính phủ của họ hoàn toàn ủng hộ, tôi tin rằng những điều này sẽ mang lại trải nghiệm tốt và độ tin cậy cao”, ông Narong nói.
“Thương trường như chiến trường”
Trong khi những chiếc xe điện Trung Quốc đang bắt đầu thâm nhập vào Thái Lan, chúng vẫn là những đối thủ cạnh tranh và vẫn chưa vượt qua được các nhà sản xuất ô tô đương nhiệm. Nỗi lo về sạc pin vẫn là một vấn đề cần được giải quyết và việc chuyển sang dùng xe điện thay xe xăng đang diễn ra nhanh hơn ở Bangkok. Ở các vùng núi như Chiang Mai, xe bán tải Toyota có thể tiếp tục là lựa chọn được người Thái ưa chuộng.
Toyota vẫn là công ty ô tô số 1 tại Thái Lan vào năm ngoái với 265.949 xe được bán ra, theo dữ liệu từ công ty con tại Thái Lan, theo sau là Isuzu, Honda và Ford. BYD đứng thứ 6 với 30.432 xe được bán ra, chỉ kém Mitsubishi đứng thứ năm 2.000 xe. Tổng cộng, các thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là BYD, chiếm 11% thị phần ô tô mới, tăng gấp đôi so với năm trước, trong khi doanh số bán xe Nhật Bản giảm. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 80% doanh số bán xe điện tại Thái Lan vào năm ngoái.
Người phát ngôn của GAC Aion Thái Lan cho biết, việc hoàn thuế cho xe điện của Thái Lan khiến đất nước này trở thành một thị trường hấp dẫn. Các quốc gia khác cũng đang cung cấp các khoản hoàn thuế cho xe điện, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu hơn nữa.
Bill Russo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Automobility, một công ty tư vấn chiến lược và đầu tư cho ngành công nghiệp ô tô có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Khả năng chi trả là một giá trị phổ quát”.
Tuy nhiên, Russo lập luận, mối đe dọa từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đối với các hãng sản xuất ô tô lâu đời không chỉ dừng lại ở xe điện.
Bất chấp những lời bàn tán về việc xe điện Trung Quốc thâm nhập vào thị trường nước ngoài, Trung Quốc cũng đang xuất khẩu một lượng lớn xe động cơ đốt trong thông thường (ICE), ông nói. Russo giải thích rằng vì người tiêu dùng ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đang nhanh chóng lựa chọn xe điện thay vì xe động cơ đốt trong, nên các nhà sản xuất ô tô của nước này vẫn còn tồn kho nhiều ô tô động cơ đốt trong hơn mức thị trường có thể tiêu thụ. Điều đó có nghĩa là họ đang tìm cách bán hàng triệu xe ở những nơi khác. Trong khi Trung Quốc chưa thành công trong việc bán xe chạy bằng xăng ở Thái Lan, thì các thị trường khác vẫn còn do dự về cơ hội đang chín muồi mà EV mang lại cho họ.
“Hãy bán xe điện cho Nga, Mexico, Brazil hoặc bán chúng cho bất cứ nơi nào mà người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng vào EV”, ông Russo nói.
Trung Quốc đã xuất khẩu 4,91 triệu xe vào năm ngoái và vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Xe hybrid cắm điện và xe điện chạy bằng pin chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu, điều này có nghĩa là các thương hiệu Trung Quốc cũng đang bán rất nhiều xe chạy bằng xăng.
Theo dữ liệu do Automobility tổng hợp, xuất khẩu sang Nga vẫn chiếm ưu thế, nhưng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã mở rộng đáng kể thị phần của mình tại Mexico, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Ông Russo cho biết các Chính phủ chỉ nhìn vào các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc qua lăng kính xe điện, vì vậy xe ICE vẫn được xuất khẩu mà không gặp nhiều rào cản. Điều đó tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Ông Russo quả quyết: “Khi thiết lập mạng lưới đại lý và xây dựng được thương hiệu, bạn đã có được vị thế vững chắc”. Một khi đã trở thành thương hiệu đáng tin cậy, các nhà sản xuất ô tô có thể bắt đầu giới thiệu xe điện.
Các nhà sản xuất ô tô đã áp dụng chiến lược tương tự ở Trung Quốc, ông Russo cho biết: “Đó chính xác là những gì họ sẽ làm trên phạm vi quốc tế; họ sẽ đến mọi quốc gia có thể và sau đó định hướng khách hàng chuyển sang dùng xe điện”.
Theo Fortune/Yahoo! Finance
>> Hàng loạt hãng xe lên tiếng về lệnh cấm công nghệ Trung Quốc của Chính phủ Mỹ
Top 28 doanh số xe điện trên thế giới, VinFast đang xuất khẩu đi những quốc gia nào?
Xe điện mini VinFast VF 3 sẽ cập bến thị trường đông dân nhất Đông Nam Á trong năm 2025