Đường hầm xuyên núi đá 1.600 tỷ nằm trên tuyến cao tốc "kéo" Thanh Hóa về gần Hà Nội, một cửa nối đến thủ phủ hoa đào nổi tiếng
Đây là hạng mục nối liền đường cao tốc giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa trên hành trình từ Hà Nội vào phía Nam.
Dự án thành phần xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 có chiều dài 63km, được khởi công tháng 9/2020, tiến độ hoàn thành tháng 12/2022. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 12.100 tỷ đồng. Dọc tuyến có 2 hầm chui qua núi, đó là hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi.
Trong đó, hạng mục hầm Tam Điệp có vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng với chiều dài 245m. Gói thầu do nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải thi công, quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải. Với hạng mục này, đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ khoan hầm của Áo và giải pháp thi công đào hầm qua núi của Nhật Bản.
Vị trí thực hiện khoan hầm qua núi ở cửa phía Bắc là địa phận thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, cửa phía Nam là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Theo thiết kế, hầm có 2 ống hầm, mỗi ống gồm 1 hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều đảm bảo tĩnh không đứng tối thiểu 5m; diện tích mặt cắt mỗi ống hầm ~ 99m2; tim hai hầm đơn cách nhau 45m; bề rộng mặt cắt ngang mỗi hầm 14,05m, gồm 3 làn xe cơ giới. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp với bề rộng 2m, dài 30m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau khoảng cách 4-5km/điểm.
Theo nhà thầu, khó khăn nhất khi thi công đường hầm Tam Điệp là cấu tạo địa chất ở đây có đá lẫn đất khá phức tạp, nếu tính toán không kỹ có thể gây sạt lở đường hầm. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này có một số mỏ khai thác đá sử dụng mìn nổ nên vấn đề địa chấn, sóng không khí cũng đã được tính toán kỹ lưỡng.
Sau hơn 1 năm nổ mìn, khoan núi, đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa đã hoàn thành các hạng mục thông hầm và thảm nền để phục vụ xe công trường qua hầm Tam Điệp vào tháng 3/2022.
Không chỉ góp phần rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội tới Thanh Hóa, hầm Tam Điệp qua núi Tam Điệp còn có thể dẫn tới một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại Ninh Bình và Thanh Hóa nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Cửa Bắc của hầm Tam Điệp là địa phận thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây là một trong những khu vực giàu tiềm năng du lịch với nhiều loại hình du lịch đặc sắc được quan tâm như du lịch tâm linh (đền Dâu, đền Quán Cháo, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, đền Thượng, chùa Lý Nhân, đình làng Quang Hiển), du lịch sinh thái (sân golf Hoàng Gia 54 lỗ lớn nhất Việt Nam, đồi Dù Resort, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái).
Tam Điệp còn được mệnh danh là thành phố hoa đào, thủ phủ của thương hiệu đào phai Tam Điệp. Ngoài ra trên mảnh đất này còn có những loại đặc sản nổi tiếng khác như chè Trại Quang Sỏi và dứa Đồng Giao. Cũng như các vùng miền núi khác ở Ninh Bình, dãy núi đá vôi Tam Điệp tạo ra nhiều hang động kỳ thú như động Trà Tu, động Tam Giao...
Còn nếu đi từ cửa Nam của hầm, du khách có thể tới tham quan đền Cô Bơ, đền Chầu Đệ Tứ, chùa Cao, phủ Tây Mỗ, cầu Lèn... đây đều là những địa điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức món mắm tép tiến vua từ làng Đình Trung, xã Hà Yên (nay là xã Yên Dương, huyện Hà Trung). Đây là một loại mắm đặc biệt và nổi tiếng ở miền đất xứ Thanh. Được mệnh danh là “mắm tép tiến vua“, loại mắm này đã tồn tại trong hàng trăm năm và có hương vị thơm ngon đặc trưng, màu đỏ gạch hấp dẫn.
Đi dọc cao tốc 12.000 tỷ "kéo" Thanh Hóa về gần Hà Nội: Kỳ vĩ cảnh sắc hai bên tuyệt đẹp như tranh