Đường Quảng Ngãi – Hành trình đưa Vinasoy chiếm lĩnh 90% thị phần sữa đậu nành bao giấy

21-11-2022 05:47|Hồ Nga

Đường Quảng Ngãi được biết đến là chủ thương hiệu Sữa Đậu Nành Vinasoy, Nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun, Bia Dung Quất...

24c8b258-f355-4ce5-9367-7de6e5f60e45.jpeg

CTCP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ 20. Ban đầu công ty có 2 sản phẩm chính là đường RS và cồn.

Năm 2005 chủ trương cổ phần hoá công ty được phê duyệt và đến tháng 1/2016 quá trình cổ phần hoá hoàn thành, CTCP Đường Quảng Ngãi chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ ban đầu 49,9 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 28% vốn cổ phần.

Cổ phần hoá không lâu, năm 2009 cổ đông nhà nước SCIC thoái toàn bộ vốn bằng hình thức bán cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài và người lao động trong công ty. Đường Quảng Ngãi không còn sự hiện diện của cổ đông Nhà Nước.

Đường Quảng Ngãi hiện nay gắn liền với tên tuổi thương hiệu Sữa Đậu Nành Vinasoy. Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh được khởi công xây dựng từ năm 2012 với công suất giai đoạn 1 là 90 triệu lít/năm. Năm 2013 Nhà máy hoàn thành. Cùng với sự hoàn thành của Nhà máy, Đường Quảng Ngãi dần chiếm thị phần về mảng sữa đậu nành. Công ty cũng bắt đầu thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Đậu Nành với mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu về hạt đậu nành phục vụ cho việc kinh doanh bền vững.

Ít ai biết đến với cái tên Đường Quảng Ngãi, nhưng “dưới trướng” của công ty có nhiều công ty con, nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong những mảng khác nhau trong đó có Nhà máy bia Dung Quất, Nhà máy bánh kẹo Biscafun, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Trung tâm Giống Mía, bà các nhà máy liên quan các sản phẩm đường như Đường An Khê, Đường Phổ Phong, nhà máy Nha…

7768262a-070a-4125-8bd2-11982245d796.jpeg

Những năm đầu sau cổ phần hoá doanh thu công ty tăng đều đặn hàng năm, từ mức xấp xỉ 1.200 tỷ đồng năm 2007 lên gần 7.800 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, mảng sản phẩm đường, bánh kẹo, nước giải khát, bia và sữa chiếm tỷ trọng cao, cũng là những mảng kinh doanh mang về khoản lãi gộp lớn.

e23d8880-16b8-42ef-8ce3-103f948a3c32.png

Mảng sữa của Đường Quảng Ngãi có sản phẩm chủ đạo là sữa đậu nành vỏ giấy. Đây cũng là mảng kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho công ty. Các nhãn hiệu sữa đậu nành của công ty được người tiêu dùng biết đến rộng rãi như Vinasoy, Fami và cả sản phẩm soymen – sữa đậu nành dành cho nam giới. Năm 2015 tổng sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành của công ty đạt gần 241,72 triệu lít, tăng 227,8% so với cùng kỳ.

125ddfec-74ba-42d9-88ae-a47ea13831a3.jpeg

Mảng kinh doanh đường của công ty phát triển tốt, một phần nhờ Đường Quảng Ngãi đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu của công ty được thực hiện cơ giới hoá đồng bộ, công ty cũng đã đầu tư Xí nghiệp cơ nông và trung tâm giống mía để hỗ trợ hoạt động sản xuất một cách tốt nhất và cho ra những giống mía phù hợp nhất, năng suất tốt nhất. Năm 2015 sản lượng tiêu thụ đường của công ty đạt 175.708 tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

e14a9d1a-4529-443d-8bf1-c6d0160944b7.jpeg

Sản phẩm bia, nước giải khát cũng đạt mức tiêu thu cao. Doanh thu bán bia những năm 2012 đến 2014 đều đạt từ 800 đến 900 tỷ đồng với thương hiệu Bia Dung Quất. Doanh thu nước giải khát mà sản phẩm chính là nước khoáng Thạch Bích cũng đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm bánh kẹo với thương hiệu Biscafun mang về khoảng 400 đến gần 500 tỷ đồng doanh thu mỗi năm giai đoạn 2012-2014.

3f325586-39b9-44ee-b163-e2c5f9a12dbc.png

Lợi nhuận cũng tăng mạnh từ hàng chục tỷ đồng những năm 2007, 2008 lên trên trăm tỷ năm 2009. Và những năm sau đó lợi nhuận tăng nhanh chóng, đến năm 2015 lãi sau thuế đã vượt 1.200 tỷ đồng.

Một trong những "bí kíp" kinh doanh của Đường Quảng Ngãi là kiểm soát lượng hàng tồn kho tại các nhà máy thấp - một phần giúp công ty chống lại được việc giá đường biến động trước nạn đường nhập lậu.

Cùng với lợi nhuận tăng, tổng tài sản của công ty cũng tăng nhanh chóng, từ mức xấp xỉ 500 tỷ đồng những ngày đầu cổ phần hoá, lên trên nghìn tỷ vào năm 2010 và đến năm 2016 tổng tài sản công ty đã vượt 6.100 tỷ đồng.

Giai đoạn sau cổ phần hoá đến hết 2016 Đường Quảng Ngãi đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ gần 50 tỷ đồng năm 2006 lên đến trên 1.875 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Tăng vốn, tăng quy mô tài sản, hoạt động kinh doanh của công ty cũng tăng trưởng mạnh. Doanh thu gần 7.800 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng.

c6a04294-8fad-4967-8443-268d25995925.png

“Vốn” để dành của Công ty còn có gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2015; có 322 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và 227 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Những tích luỹ này là “hành trang” mới để Đường Quảng Ngãi bước chân vào hành trình mới – hành trình đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn, khiến công ty trở thành công ty đại chúng với mọi thông tin minh bạch hơn, và cũng nhiều thách thức, nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.

6e0a14e2-7c14-41d8-b651-1fd6256ef986.jpeg

Sau cổ phần hoá thành công, quy mô công ty tăng trưởng, Đường Quảng Ngãi đã quyết định đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Ngày 20/12/2016 gần 187,55 triệu cổ phiếu QNS giao dịch phiên đầu tiên trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 80.000 đồng/cổ phiếu.

Dù mức giá chào sàn khiến nhiều nhà đầu tư giật mình, nhưng ngay phiên chào sàn QNS vẫn tăng kịch trần 40% lên 112.000 đồng/cổ phiếu với khoảng 174.000 cổ phiếu khớp lệnh. Độ “hot” của cổ phiếu QNS vẫn không hề giảm sút khi giá vẫn duy trì mức cao.

Cơ cấu cổ đông ngày lên sàn, Đường Quảng Ngãi có 1 cổ đông lớn duy nhất là Công ty TNHH MTV Thành Phát, sở hữu 15,8% vốn điều lệ. Số còn lại thuộc quyền nắm giữ của hơn 2.900 cổ đông, cán bộ công nhân viên công ty. Thành Phát cũng là công ty con do Đường Quảng Ngãi nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thành Phát hoạt động kinh doanh chính ở mảng bia rượu, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, cồn nha, kinh doanh các sản phẩm đường và mật rỉ…

Đáng chú ý, với định giá cao khi chào sàn, lại tăng kịch trần ngay phiên đầu tiên, thì gia đình Chủ tịch HĐQT Đường Quãng Ngãi và nhiều lãnh đạo công ty đã trở thành tỷ phú. Tổng tài sản của vợ chồng ông Võ Thành Đàng sau phiên đầu tiên đạt 1.600 tỷ đồng. Gia đình Phó Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nguyễn Hữu Tiến, sở hữu hơn 700 tỷ đồng. Vợ chồng ông Trần Ngọc Phương- phó Tổng Giám đốc – sở hữu khối cổ phiếu hơn 570 tỷ đồng…

Tình hình kinh doanh

Giai đoạn đầu sau cổ phần hoá, doanh thu và lợi nhuận của Đường Quảng Ngãi đã tăng trưởng mạnh hàng năm. Giai đoạn sau cổ phần hoá từ 2016 đến nay tài sản của công ty đã xấp xỉ 9.500 tỷ đồng tính đến 30/9/2022. Doanh thu cao nhất năm 2018 đã vượt 8.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 2015 đến nay đều đạt trên nghìn tỷ đồng, trong đó lãi kỷ lục thuộc về năm 2016 với hơn 1.400 tỷ đồng.

54fd292d-d258-4386-bf4b-a31d55274f21.png

Đường Quảng Ngãi phân phối các sản phẩm thông qua các nhà phân phối chính, các đại lý bán lẻ thông qua công ty còn Công ty Thành Phát. Trong đó Đường Quảng Ngãi cho biết công ty có hệ thống đại lý là những đơn vị có tình hình tài chính tốt. Các đại lý sẽ được hưởng chính sách bán hàng ưu đãi về giá, về sản lượng, về chiết khấu thanh toán theo phương thức thanh toán tiền trước khi nhận hàng hoặc trả chậm.

Tình hình tài chính, Đường Quảng Ngãi thường xuyên được nhắc tới là doanh nghiệp “giàu tiền”. Tính đến cuối quý 3/2022 ngoài tiền và tương đường tiền là các khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, thì Đường Quảng Ngãi còn có khoản 3.752 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Số dư tiền gửi ngân hàng đến cuối 2021 cũng đạt trên 3.900 tỷ đồng. Chính nguồn tiền dồi dào này mang về cho công ty khoản doanh thu tài chính đều đặn nhiều năm nay.

Trong khi duy trì khoản tiền gửi lớn, thì Đường Quảng Ngãi vẫn còn khoản tiền vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.200 tỷ đồng đến cuối quý 3 - giảm gần 800 tỷ đồng so với đầu năm.

28db7c17-e091-4d49-9a0d-87197d872e27.jpeg

Nhìn lại lịch sử tăng vốn của Đường Quảng Ngãi từ 2006 khi cổ phần hoá thành công đến 2016 khi doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn cho thấy có tổng cộng 16 đợt tăng vốn, từ gần 50 tỷ đồng lên trên 1.875 tỷ đồng, tương ứng gấp hơn 37 lần.

Trong số 16 lần tiến hành tăng vốn, chỉ 1 lần duy nhất vào năm 2007 phát hành gần 30 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Những lần còn lại đều là phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Đây chính là nguyên nhân chính khiến số cổ phiếu của cán bộ công nhân viên công ty và cổ đông tăng mạnh theo thời gian.

Năm 2016 khi Đường Quảng Ngãi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán với giá chào sàn 80.000 đồng/cổ phiếu đã khiến cho hơn 2.900 cổ đông công ty thành những triệu phú tỷ phú. Trong đó không ít cổ đông sở hữu khối tài sản cả chục tỷ đến trăm tỷ.

Giai đoạn từ 2016 đến nay công ty cũng đã 4 lần phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, và đều là phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV công ty.

8b871ec0-0fe4-4e27-ad64-f9bbb790da2b.jpeg

Những năm gần đây người tiêu dùng luôn hướng đến các sản phẩm “lành mạnh”, “dinh dưỡng”, “an toàn” với những ưu tiên chọn lựa các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, có lợi cho sức khoẻ, do vậy công ty tập trung chú trọng vào nghiên cứu và cho ra những sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng.

Theo quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 thì nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm này ngày càng tăng. Trong đó ước tính nếu năm 2020 tiêu thụ khoảng 4,1 triệu lít bia thì năm 2035 đạt khoảng 5,5 triệu lít. Đối với nước giải khát, ước tính tiêu thụ khoảng 15,2 triệu lít vào năm 2035. Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại nước giải khát không ga, nước hoa quả đang ngày càng lớn.

Từ tháng 7 năm 2021, dây chuyền đường tinh luyện RE chính thức đi vào sản xuất thương mại, góp phần đa dạng hóa sản phẩm đường của công ty, tăng tính cạnh tranh và mang lại hiệu quả cho Công ty.

Theo AC Neilsen, đến tháng 12.2021 thị phần về sản lượng của Vinasoy đạt đến 90% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam.

Định hướng tương lai, Đường Quảng Ngãi quyết tâm tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu sữa đậu nành bao bì hộp giấy tại thị trường Việt Nam và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

------------------

Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.

Lãi vượt kỳ vọng, chủ thương hiệu sữa đậu nành Fami ‘mạnh tay’ chi cổ tức tỷ lệ cao kỷ lục bằng tiền

Lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tuần từ 15-19/4

Đường Quảng Ngãi (QNS) đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.500 tỷ đồng năm 2024

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-quang-ngai-hanh-trinh-dua-vinasoy-chiem-linh-90-thi-phan-sua-dau-nanh-bao-giay-158992.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đường Quảng Ngãi – Hành trình đưa Vinasoy chiếm lĩnh 90% thị phần sữa đậu nành bao giấy
POWERED BY ONECMS & INTECH