Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Một địa phương đóng góp gần 11.000 tỷ đồng
Trong tổng số tiền gần 11.000 tỷ đồng mà địa phương đóng góp, khoảng 5.860 tỷ đồng sẽ được thực hiện cho công tác giải phóng mặt bằng.
Theo báo Đầu tư, chiều 20/2, UBND TP. Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đóng góp kinh phí từ ngân sách thành phố để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn thành phố).
Theo đó, TP. Hải Phòng sẽ đóng góp 10.960 tỷ đồng cho dự án, trong đó 5.860 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng cho tuyến chính và các tuyến nhánh, gồm nhánh Nam Đình Vũ - Đình Vũ và nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn. Hơn 5.100 tỷ đồng còn lại được đầu tư xây dựng tuyến nhánh ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn dài khoảng 12km.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 403km, trong đó tuyến chính dài 388km, hai tuyến nhánh dài 15km (chưa bao gồm tuyến nhánh Nam Đồ Sơn dài 12km). Điểm đầu tuyến kết nối với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tại TP. Lào Cai, điểm cuối tại bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Tại Hải Phòng, tuyến đường sắt đi qua với chiều dài 46,18km tuyến chính và 20,57km tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 160km/h đối với tuyến chính, 80km/h đối với tuyến nhánh. Trên địa bàn thành phố có 4 nhà ga chính:
Ga Nam Hải Phòng có diện tích 51ha, nằm trên địa bàn huyện Kiến Thụy, là ga hỗn hợp, ga lập tàu, tác nghiệp hàng hóa và hành khách.
Ga cảng Lạch Huyện với diện tích 22ha, thuộc thị trấn Cát Hải, là ga hỗn hợp, ga tiền cảng, phục vụ tác nghiệp hàng hóa.
Ga Đình Vũ với diện tích 5,6ha, thuộc quận Hải An, là ga tiền cảng, phục vụ tác nghiệp hàng hóa.
Ga Nam Đồ Sơn với diện tích 10,5ha, nằm tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, là ga tiền cảng, phục vụ tác nghiệp hàng hóa.
Ngoài ra, dự án còn có hai trạm tác nghiệp kỹ thuật gồm Trạm Tân Viên (huyện An Lão, diện tích 6,8ha) và Trạm Đình Vũ (quận Hải An, diện tích 6,2ha, ga trên cao).

Tổng diện tích giải phóng mặt bằng trong hai giai đoạn của dự án tại Hải Phòng là 376ha, với kinh phí 5.860 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 giải phóng 345ha (5.376 tỷ đồng), giai đoạn 2 giải phóng 30,5ha (484 tỷ đồng).
Chi phí xây dựng đoạn tuyến chính dài 46,18km khoảng 20.480 tỷ đồng. Các tuyến nhánh gồm tuyến Nam Đình Vũ - Đình Vũ dài 7,89km, kinh phí 1.350 tỷ đồng; tuyến Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn dài 12,63km, kinh phí 5.100 tỷ đồng.
Theo UBND TP. Hải Phòng, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố và toàn khu vực. Dự án không chỉ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ kết nối hành lang Đông - Tây, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng qua hệ thống cảng biển tại Hải Phòng, đồng thời tăng cường liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.
Dự án cũng góp phần hiện thực hóa chiến lược "Hai hành lang - Một vành đai", thúc đẩy giao thương với Trung Quốc và mở ra tuyến đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - Châu Âu. Đây là bước tiến quan trọng nhằm phát triển hệ thống logistics hiện đại, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, hành khách trong nước và quốc tế.
>> 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD