Hạ tầng - Chính sách

Đường tan nát sau khi dừng thu phí BOT

Mạnh Thắng - Hữu Huy 03/10/2024 08:07

Sau một thời gian chủ đầu tư dừng thu phí, nhiều tuyến đường khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Quốc lộ 51 kết nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông kể từ khi nhà đầu tư dừng thu phí BOT.

Ông Trần Văn Hoạt, tài xế xe đầu kéo container thường xuyên lưu thông trên quốc lộ 51 cho biết, mặt đường ngày càng bị hư hỏng, nhiều ổ gà, ổ voi, vệt hằn bánh xe khiến các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Lo ngại nhất là khi trời mưa, các hố sâu trên mặt đường ngập nước khiến người tham gia giao thông dễ bị tai nạn.

Đường tan nát sau khi dừng thu phí BOT ảnh 1
Dặm vá mặt đường quốc lộ 51. Ảnh: M.T

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dù được đơn vị chức năng bảo dưỡng thường xuyên nhưng mặt đường của quốc lộ 51 hư hỏng nhiều. Từ đầu tháng 9 đến nay, mưa lớn diễn ra thường xuyên đã làm cho mặt đường cũng như hệ thống vạch sơn xuống cấp nghiêm trọng, phát sinh “ổ gà”, hằn lún vệt bánh xe. Có nhiều vị trí tạo thành hố rộng, sâu..., ảnh hưởng lớn đến lưu thông của người dân, gây mất ATGT.

9 tháng, 42 người tử vong trên quốc lộ 51

Trong 9 tháng của năm 2024, trên quốc lộ 51 qua Đồng Nai xảy ra 56 vụ TNGT, làm chết 42 người và bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 22 vụ TNGT, tăng 10 người chết, tăng 16 người bị thương.

Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 - Hoàng Văn Phượng cho biết, quốc lộ 51 hiện nay có khoảng 186 ngàn m2 mặt đường hư hỏng, cần sửa chữa. Trong số đó, diện tích hư hỏng cần xử lý ngay để đảm bảo ATGT là 97,5 ngàn m2. Trên toàn tuyến hiện có 6,9 ngàn m2 vạch sơn bị mòn, mờ, cho dù từ đầu năm đến nay, Khu Quản lý đường bộ 4 đã hoàn thành nhiều công trình xử lý “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ về TNGT.

Tương tự, tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương dài 61,9 km kết nối TPHCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang được khai thác từ đầu năm 2010 cũng nhanh chóng xuống cấp sau khi dừng thu phí sử dụng đường bộ. Nhiều đoạn, mặt đường chằng chịt những vết vá. Nhiều đoạn nhựa đường bị bong tróc, gợn sóng, có dấu hiệu hư hỏng. Dọc tuyến cao tốc, nhiều đoạn hàng rào bảo vệ hành lang an toàn bị người dân phá hỏng để vào bên trong. Bốn làn xe hai hướng đi về của cao tốc nhiều đoạn bị hằn lún, thảm nhựa đường bong tróc chỉ còn lớp đá dăm tạo nhám mặt đường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ tuyến đường này từ năm 2012. Trên cơ sở đồng ý chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về mở thầu đấu giá quyền thu phí, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) đã trúng đấu giá 2.004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 1/1/2014 đến 31/12/2018. Từ đầu năm 2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ đã tiếp nhận và giao lại Khu Quản lý đường bộ 4 quản lý cho đến nay.

Vì đâu nên nỗi?

Từ khi dừng thu phí, lượng xe đi qua tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương tăng khoảng 30% với hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày đêm. Cơ quan quản lý đã phải điều chỉnh quy định về tốc độ: Giảm tốc độ tối đa từ 120 km/h xuống còn 100 km/h; giảm tốc độ tối thiểu từ 80 km/h chỉ còn 60 km/h. Trên thực tế, khả năng thông hành của tuyến cũng đã không còn đảm bảo, khi tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60 - 70km/h (so với thiết kế đường cao tốc là 100 - 120 km/h).

Thường xuyên chở khách theo hành trình từ Tiền Giang đi TPHCM và ngược lại, tài xế Hồ Minh Nhựt (quê Tiền Giang) cho biết, từ khi dừng thu phí, phương tiện vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đông nghẹt nên vận tốc chạy xe trung bình chỉ trên 60 km/h. Xe chạy bát nháo, không giữ khoảng cách, tốc độ quy định nên đường càng xuống cấp.

Được đầu tư mở rộng với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, tuy nhiên theo số liệu khảo sát của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đồng Nai, hiện tại quốc lộ 51 đang trong tình trạng quá tải. Vào các khung giờ cao điểm, tuyến đường huyết mạch này “gánh” hơn 82,3 ngàn lượt xe/ngày đêm; trong khi lưu lượng thiết kế ban đầu chỉ 12 ngàn lượt xe/ngày đêm. Theo Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Lê Quang Bình, hiện nay, lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 51 vượt nhiều so với dự báo. Nhiều xe quá khổ, quá tải, xe container lưu thông làm mặt đường xuống cấp, xuất hiện nhiều điểm lồi lõm gây khó cho các phương tiện tham gia giao thông. Tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức trên quốc lộ 51. Ông Bình cảnh báo: Khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành đi vào khai thác, quốc lộ 51 sẽ còn ùn tắc nghiêm trọng hơn nếu không sớm triển khai xây dựng nút giao khác mức nói trên.

Nói về tình trạng quốc lộ 51 xuống cấp nghiêm trọng, ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 51) nói: “Trong thời gian quản lý, chúng tôi thường xuyên duy tu sửa chữa ngay các điểm hư hỏng trên quốc lộ 51, không để xảy ra hư hỏng nặng. Kinh phí duy tu hằng năm khoảng 11 tỷ đồng. Trong thời gian chờ Bộ GTVT xử lý vướng mắc, doanh nghiệp đã bàn giao tuyến đường này cho Bộ GTVT và hiện tại Khu Quản lý đường bộ 4 đang tạm quản lý".

Theo ông Hoàng Văn Phượng, dù đơn vị đã bảo dưỡng thường xuyên nhưng do tình trạng hư hỏng trên quốc lộ 51 quá lớn, trong khi nguồn kinh phí bảo trì và sửa chữa đột xuất không đủ nên xuống cấp, hư hỏng ngày càng nghiêm trọng, phát sinh nhiều “ổ gà”, vết hằn lún… “Để đảm bảo ATGT trên toàn tuyến quốc lộ 51, Khu Quản lý đường bộ 4 đã kiến nghị Cục Đường bộ báo cáo Bộ GTVT, cho phép bổ sung kinh phí sửa chữa đột xuất trên tuyến quốc lộ 51. Trước mắt, tập trung sửa chữa hư hỏng nền và mặt đường tại những vị trí xung yếu, vị trí vạch sơn mòn mờ...với kinh phí ước tính hơn 51,56 tỷ đồng”, ông Phượng nói.

Khẩn trương nâng cấp, mở rộng

Năm 2023, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe, 2 làn khẩn cấp với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Đề xuất này đã được Chính phủ đồng ý và sẽ triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tháng 4 năm nay, Bộ GTVT đã lựa chọn liên danh gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM - Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, hiện nay TPHCM cùng các địa phương xem xét hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc trên. Ngày 30/9, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản bản kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương nâng cấp, sửa chữa toàn diện hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 51, đặc biệt là hư hỏng mặt đường và vạch sơn mòn mờ qua địa phận Đồng Nai, nhằm bảo đảm ATGT. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do nguồn kinh phí có hạn, công tác duy tu, bảo dưỡng cũng như khắc phục các nguy cơ mất ATGT… không đáp ứng kịp thời nên dẫn đến tình trạng quốc lộ 51 liên tục xuống cấp, hư hỏng. Để bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ 51, Bộ GTVT cần chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị liên quan sớm phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế về hư hỏng và bất cập về hạ tầng giao thông trên quốc lộ 51.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Đường bộ chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ 4 khẩn trương dặm vá, sửa chữa ngay các vị trí mặt đường hư hỏng nặng, vệt bánh xe và “ổ gà”.

Bình Dương mua lại dự án BOT

Tại tỉnh Bình Dương, một số đường có trạm thu phí BOT đã xuống cấp và không còn đáp ứng được yêu cầu khi lượng phương tiện tăng nhanh, trong đó có tuyến ĐT.747A và ĐT.747B. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2018, Sở đã làm việc với Công ty Genimex (chủ đầu tư dự án) về việc mua lại trạm thu phí BOT để nâng cấp mở rộng hai tuyến đường kể trên. Việc mua lại nhằm nâng cấp đảm bảo đồng bộ hệ thống vỉa hè, cây xanh, thoát nước và chiếu sáng trên tuyến theo đề án sắp xếp lại trạm thu phí trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Công ty Genimex đã thống nhất việc triển khai thực hiện chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn, chuyển giao cho Nhà nước quản lý.

Cũng theo ông Minh, sở dĩ vẫn chưa thực hiện di dời hai trạm BOT kể trên do hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc dùng vốn ngân sách để chấm dứt hợp đồng BOT. “Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan sớm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án trên để nâng cấp, mở rộng đồng bộ đường theo đúng quy định”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho hay.

Năm 2016, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Bình Dương đã chi gần 30 tỷ đồng mua lại trạm BOT An Phú rồi xóa bỏ. >> Một doanh nghiệp BOT báo lãi gấp 42 lần trong nửa đầu năm

'Phao cứu sinh' cho Đèo Cả (HHV) trước nguy cơ mất trắng vì dự án BOT nghìn tỷ

Bộ GTVT ‘vươn tay cứu giúp’ gần chục dự án BOT đang rơi vào cảnh thua lỗ

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/duong-tan-nat-sau-khi-dung-thu-phi-bot-post1678679.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường tan nát sau khi dừng thu phí BOT
    POWERED BY ONECMS & INTECH