Tỷ phú Elon Musk đã kiện OpenAI và CEO Sam Altman với lý do họ đã chối bỏ sứ mệnh ban đầu là phát triển trí tuệ nhân tạo vì lợi ích của con người, phi lợi nhuận.
Vụ kiện được trình lên vào cuối ngày 29/2 tại Tòa án Thượng thẩm California ở San Francisco (Mỹ), là đỉnh điểm của sự phản đối âm ỉ từ lâu của Musk đối với startup mà ông đồng sáng lập. OpenAI đã trở thành bộ mặt của AI tạo sinh, một phần nhờ hàng tỷ USD tài trợ từ Microsoft. Musk thành lập startup trí tuệ nhân tạo của riêng mình, xAI, ra mắt vào tháng 7/2023.
Đơn kiện của Musk cáo buộc vi phạm hợp đồng, nói rằng Altman và đồng sáng lập Greg Brockman ban đầu tiếp cận ông để tạo ra một công ty nguồn mở phi lợi nhuận, nhưng giờ đây nó lại tập trung vào việc kiếm tiền.
Musk cho biết, ba người sáng lập OpenAI ban đầu đồng ý nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) nhưng theo cách "có lợi cho nhân loại", theo đơn kiện. OpenAI cũng sẽ hoạt động đối lập với Google, công ty mà Musk tin rằng đang phát triển AGI vì lợi nhuận và sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng.
Tuy nhiên, OpenAI đã "đốt cháy thỏa thuận sáng lập" vào năm 2023 khi phát hành mô hình ngôn ngữ mạnh nhất GPT-4, về cơ bản là một sản phẩm của Microsoft, đơn kiện cáo buộc. Do đó, Musk muốn tòa án ra phán quyết buộc OpenAI phải cung cấp nghiên cứu và công nghệ của mình cho công chúng và ngăn chặn startup sử dụng các tài sản của mình, bao gồm GPT-4, cho lợi ích tài chính của Microsoft hoặc bất kỳ cá nhân nào.
>> Startup thần kinh của Elon Musk cấy ghép thành công chip lên não người
Các giám đốc hàng đầu của OpenAI đã bác bỏ một số tuyên bố mà Musk đưa ra trong vụ kiện của mình, blog Axios đưa tin hôm 1/3.
Musk cũng tìm kiếm phán quyết từ tòa án về việc GPT-4 và một công nghệ mới tiên tiến hơn - Q* - sẽ được coi là AGI và vì vậy nằm ngoài giấy phép của Microsoft đối với OpenAI.
Một nguồn tin của Reuters tiết lộ, Musk cố gắng giành quyền kiểm soát OpenAI từ Altman và những người sáng lập khác vào cuối năm 2017, nhằm chuyển đổi nó thành một thực thể thương mại hợp tác với Tesla, tận dụng siêu máy tính của nhà sản xuất ô tô.
Song, Altman và những người khác phản đối, còn Musk đã từ chức với lý do muốn tập trung vào các dự án AI của Tesla. Ông tuyên bố rời khỏi OpenAI vào tháng 2/2018 trong một cuộc họp mà Musk kêu gọi OpenAI tăng tốc độ phát triển, điều bị cho là liều lĩnh.
Kể từ đó, Musk đã nhiều lần kêu gọi quản lý AI.
Một số chuyên gia pháp lý cho biết, cáo buộc vi phạm hợp đồng của Musk, một phần dựa trên email giữa Musk và Altman, có thể không được đưa ra tòa. Trong khi các hợp đồng có thể được hình thành thông qua một loạt các email, đơn kiện trích dẫn một email trông giống như một đề xuất và một "cuộc thảo luận một chiều", Brian Quinn, Giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Boston nhận xét.
xAI của Musk
Musk đã thuê các kỹ sư từ một số hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ về làm cho xAI với tham vọng thách thức Google và Microsoft. Startup này đã bắt đầu tung ra đối thủ cạnh tranh với ChatGPT - Grok - cho người đăng ký Premium + của mạng xã hội X vào tháng 12/2023.
Theo trang web của xAI, startup này là một công ty riêng biệt với các doanh nghiệp khác của Musk nhưng sẽ hợp tác chặt chẽ với X và Tesla.
Musk, người từng gọi AI là "con dao hai lưỡi", nằm trong số các chuyên gia và giám đốc công nghệ kêu gọi tạm dừng phát triển các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong vòng 6 tháng với lý do rủi ro lớn đối với nhân loại và xã hội. Kể từ khi ChatGPT ra mắt, các công ty đã ứng dụng nó trong hàng loạt tác vụ, từ tóm tắt tài liệu đến lập trình, châm ngòi cho cuộc đua giữa các Big Tech để tung ra các dịch vụ dựa trên AI tạo sinh.
(Theo Reuters)
>> Những con khỉ cấy chip Neuralink của Elon Musk phát triển thế nào?
CNN: Ông Trump có thể yêu cầu bỏ chế độ làm việc từ xa để cắt giảm chi phí
Tỷ phú Elon Musk hé lộ về kế hoạch cắt giảm hàng loạt nhân sự liên bang