EU bỏ kiểm soát với mì ăn liền, tăng tần suất kiểm tra quả thanh long Việt Nam
Từ ngày 2/7, mì ăn liền Việt Nam xuất sang EU sẽ không phải chịu các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, trong khi quả thanh long lại bị tăng tần suất kiểm tra lên 30%.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 12/6, Ủy ban châu Âu đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU theo quy định 2019/1973.
Theo đó, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm vì đáp ứng các quy định của EU. Biện pháp bỏ kiểm soát này bắt đầu có hiệu lực từ 2/7.
Trước đó, sản phẩm này của nước ta xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát với tần suất 20% tại cảng nhập khẩu vì bị phát hiện dư lượng ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Ngoài sản phẩm mì ăn liền, EU cũng điều chỉnh quy định kiểm tra với một số loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm.
Mặt hàng ớt đang bị EU áp dụng tại Phụ lục I (tần suất kiểm tra là 50%) chuyển sang Phụ lục II của Quy định 2019/1973 tần suất kiểm tra 50%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm.
Tương tự, đậu bắp của Việt Nam EU vẫn áp dụng theo Phụ lục II của Quy định 2019/1973 với tần suất kiểm tra 50%, kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm.
Mặt hàng sầu riêng Việt Nam giữ nguyên tần suất kiểm tra 10% so với lần rà soát trước đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các lô hàng ớt được xuất khẩu đã rời cảng từ Việt Nam hoặc từ nước thứ 3 trước ngày Quy định 2024/1662 có hiệu lực thì vẫn áp dụng theo tần suất kiểm tra cũ, chưa phải kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng khuyến cáo, để tiếp tục xuất khẩu ổn định vào EU cũng như bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của EU.
>> Sự thực về sầu Thái tí hon gây 'sốt' trên chợ mạng, tôm hùm bông giá siêu rẻ
HAGL của bầu Đức tiến gần mục tiêu hết lỗ lũy kế, cổ phiếu HAG bật tăng 20%
Bầu Đức không còn 'một mình một chợ', sầu riêng bỗng hút vốn nhiều doanh nghiệp niêm yết